Thứ Ba, 4 tháng 12, 2012

LY CAFE THÁNG MƯỜI HAI


        Sau hơn ba tháng trở về Hải Phòng, ngồi với bạn, nhâm nhi tách café vào một chiều thành phố nhiệt độ ngoài trời là 19 độ.
         Ngỡ ngàng cái rét mà mình cảm nhận, lòng se se, hồ hởi xen lẫn, vui và buồn cứ như 
con thoi qua những câu chuyện thăng trầm.
         Bên ngoài, lá phượng rơi lả tả, noel đang nhích dần từng giây. Tháng mười hai chả có gì đẹp, chỉ thấy người vội vội vàng vàng với cơm áo gạo tiền cùng những khuôn mặt khác nhau đang nườm nượp ở đường phố.
Cuối năm, sự vun vén cho nhiều công việc cần phải ổn định, ai cũng mong trọn vẹn đều đến đích cuối cùng.
         Đâu đó vẫn những chỗ tụm 5, tụm 3 bàn tán, cũng có thể là sự hồ hởi, phân giải một điều gì đó, hay những cố gắng mà con người muốn hoàn thành.
Tách café nóng ran, hơi ấm tỏa ra, từ lòng tay lại khao khát, muốn quờ về ủ ấm một chút, dù mình không vô tình.
         Thành phố có vẻ xấu đi, vì nhiều cây rụng lá, trơ khấc những cành nghều ngào tròn lẳn, sau đợt rét. Sự dịch chuyển về thời gian cũng là sự dịch chuyển của năng lượng cần tái tạo, cho những nhu cầu mới.
         Sau ba tháng, không ai có quyền nhìn nhận về bất cứ điều gì đã hoặc đang thay đổi, mà chỉ được phép cảm nhận.
         Vẫn cành phượng cũ, vẫn tách café cũ, nhưng mình ngồi đây, lòng lại thắc thỏm…
         Khác và giống có thể không cho kết quả, nhưng lại cho nỗi buồn.
          Mạch thời gian cũng như một ô cửa, khi ta bật dậy ngắm nhìn, rồi lại bật dậy thấy mình... khác. Cái khác hình như cũng là một hành trình để mình cần nghĩ suy…?

TUẤN ANH

Thứ Bảy, 17 tháng 11, 2012

THÁNG MƯỜI MỘT



           Thế là đã sang tháng mười một được vài ngày, cái tháng mà chẳng ai thèm nhớ và nhắc tới, các lễ kỉ niệm cũng không  mấy khi có ở tháng này, mà chủ yếu nằm trong tháng mười. Tháng mười vừa tròn trịa về mặt số, lại liên quan đến mùa màng, đâu đó có tiếng cười hứng khởi về một vụ mùa bội thu.
           Còn tháng mười hai, cuối năm, nên rất nhiều người nhớ. Những ghi chép tính toán đều liên quan đến tháng này, thậm chí có những bữa nhậu ra trò, làm người ta …nhớ mãi. Tháng mười hai không rủng rỉnh như tháng mười, nhưng lại lướt khướt và có vẻ vội vã…Trí nhớ trong tháng này cũng không mấy đậm sâu và nhạt nhẽo. Nhưng còn tháng mười một, đích thị là lặng lẽ. Tháng mười một chỉ là cây cầu, đã bị tháng mười ăn hết lộc, và  là cái đệm để cho tháng mười hai có cớ khởi sắc.
           Con người vừa hỉ hả ăn mừng ở tháng mười rồi, chả ai dại gì đi liên hoan vào tháng mười một,  khi mà họ vừa dứt xong một cơn say. Tháng mười một như manh đệm lót, để che chắn cho tháng mười đỡ lạnh và ủ ấm cho tháng mười hai, khi ấy đông đã về. Không thấy ai hát những bài hát về tháng mười một, mặc dù những bài hát về tháng mười rất nhiều, nhưng khi điểm danh, nó vẫn đàng hoàng  một cái tên, và chẳng ai đếm… thiếu nó.
          Tháng mười một vẫn có trong danh phận, cũng đầy đủ ngần ấy ngày, và cũng có một tuần trăng, thế mà…

         Tôi ôm tháng mười một vào lòng
         Vòng qua con đê chung chiêng
         Cất tiếng gọi
         Tôi biết mình tỉnh giấc…

TUẤN ANH

Thứ Năm, 1 tháng 11, 2012

CHUYỆN ĐI TÀU

           


           Hôm nay, tự dưng lại thành một thủy thủ đi biển, vì lẽ gì, vì tiền chăng, hay là một cuộc trốn chạy về...tâm thức? Ngần ấy tuổi đầu, giờ lại lao đầu vào con tàu Long Châu của Công ty Nạo vét đường biển 1, nằm mãi phao số o, ngoài biển Trà Vinh. Còn vì tiền, biết bao nhiêu cho đủ, mà khi, không có tiền, còn... biết mình hạnh phúc.
           Tôi bước chân xuống tàu, cũng là lúc có ba người ra đi vì lí do cá nhân, một người do hết hạn công tác về nghỉ hưu, còn hai người kia lí do thay đổi công việc. Bắt tay các anh cùng với nụ cười của sự đến và đi như một bản năng, nhưng sao trong tôi có cảm giác rất khác. Ước muốn của mỗi chúng ta đều không giống nhau trong quan niệm cũng như hành xử. Chẳng thế mà người này vẫn đến, người kia vẫn đi, chúng ta đi tìm, tìm…lại trên con đường của nhau, để cho mình tồn tại. Cái chữ phúc cũng vì thế thay đổi, lăn theo thời gian cùng các cá nhân cũng khác. Hạnh phúc có thể là màu hồng nhưng cũng có thể là màu không phải thế…
          Đặt balo lên tàu, ngồi ngắm biển chòng chành mà nao lòng. Đã bao năm, giờ quay lại một cảm giác say say xen lẫn. Biển cực Nam có khác gì biển Bắc bộ, cũng vậy cả thôi, cùng sông nước mà. Nhưng nó khác, khi lúc này, lòng mình, không còn nhiệt huyết với biển nữa. Sự cầu mong đến với biển, hay những thèm muốn của sự từng trải, những người chuyên đi chinh phục đỉnh cao, trong cuộc đời. Mình bước ra biển rồi, mà vẫn hoài nghi, chả lẽ, lại có một cuộc sống vẫn đang chạy hồ hởi...trong mình, đến từng suy nghĩ?
           Mặt biển xanh gợi cảm giác yên lành, khi ta xa rời phố xá ồn ào, xa rất nhiều khuôn mặt, đến gần hơn với sự yên bình. Biển xanh, nhưng sóng có yên lành, khi những suy nghĩ chúng ta cứ đầy thêm theo năm tháng? Sẽ có lúc, vào một ngày nào đó, ta không dám nhìn vào mặt biển bởi sự nhọc nhằn đan xen trong ta đổ vào quá đầy… Màu xanh có thể là hy vọng, nhưng cũng có thể là thất vọng, khi nỗi buồn vương vất mỗi khi chợt nhớ tới. Đến và đi chỉ là bước dạo đầu chấm phá trong những cuộc mưu sinh. Ngả lưng vào thành tàu, nhìn ra xa muôn vàn là gió, là sóng mà chênh chao.
           Biết được điều gì, hay mình thầm gọi điều gì trong lúc này, ở nơi, mình đi qua 2 ngày 2 đêm, chiếc xe buyt Hoàng long, từ Hải phòng, rồi lại mất nửa ngày và 3 tiếng nữa, mới ra được chỗ...dừng chân. Quả là cuộc đời cũng có nhiều hạnh phúc, mà những hạnh phúc này cũng ngọt ngào và thăng hoa?
           Biển Trà Vinh đã thành một nốt nhớ, mặc dù, nốt nhớ này, không phải là chủ tâm.


TUẤN ANH
           

Thứ Ba, 16 tháng 10, 2012

ĐÚNG VÀ SAI

           Tự nhiên mình lại nghĩ đến sự đúng sai của cuộc đời, rồi ngồi ngắm cây phượng tím này, mà bỗng thấy...nhỏ tắp. Đúng và sai có thể sẽ không còn, cũng như cái đẹp và cái xấu, chỉ là quan niệm trong khi ta vẫn ở cõi hư vô.
           Cây phượng tím nở bung ra giữa mênh mông đồng bãi, nó không có ý định quyến rũ hay mua chuộc một ai khác, chỉ đơn giản là đến kì, những sắc tố của loài phượng này, đã âm thầm nạp ... đủ năng lượng cần thiết cho cuộc thai nghén của mình. Sắc đẹp này, không hề uy hiếp ai, hay ra dáng đỏng đảnh của một cô gái kiều diễm, nuột nà trong trang phục của mình.
          Còn con người, chúng ta cứ mải mê với những nhìn nhận, theo quan điểm đúng sai, mà bỏ quên đi...cuộc sống thực tại của mình, thậm chí còn có áp đặt mù quáng, sơ cúng, để tâm hồn mãi mãi nhỏ mọn, không cần thiết. Bông hoa phượng kia đẹp, không phải nó nghĩ đến đúng sai, và cũng không hề biết mình đẹp hay xấu, chỉ là một sự tuần hoàn của vô thức đang lặp lại, mà con người đã nhận ra từ ý thức.
          Vô thức chính là ngọn lửa, mà con người chúng ta đang đốt lên bằng... ý thức!

TUẤN ANH

Chủ Nhật, 30 tháng 9, 2012

ĐÂU LÀ ƯỚC VỌNG




Ngồi quay lưng lại cây phượng tím trong tiết tháng hai xanh ngắt. Đà Lạt vẫn còn sương mù lã chã trên từng con phố. Mùi thịt bò bốc lên trong bát phở nghi ngút, phút đói lòng muốn cầm đũa và ngấu nghiến. Sì soạp ở đường phố nhiều lúc có cái hay nhưng nhiều lúc cũng bồn chồn. Muốn ngắm cây phượng tím mà phải đợi gần một tháng nữa mới có thể biết được. Sự chờ đợi là ngẫu nhiên nhưng hình như cũng là khát vọng.
Quàng chiếc khăn cổ, che bớt đi cái giá tháng hai xào xạc, ngửa mặt lên nhìn cây phượng chờ đợi, một sắc đẹp vẫn còn xa tít. Biết bao giờ cho tới tháng ba?
Nhiều người thích ngắm cây phượng khi nở, nhưng tôi lại thích ngắm cây phường khi tàn. Lúc phượng đẹp nhất là lúc hoa đã mãn khai, đến tận cùng xuân sắc, một màu tím nhờ nhờ bắt đầu rụng xuống lả tả, xa xa như bức tranh sắp đặt một màu…Có gì nghiệt ngã chăng, khi vẻ đẹp đó được trưng bày đầy đủ nhất, trước ta, trên mặt đất. Trong không gian tím ngát trên trời, dưới chân, hỏi làm sao mà không xao xuyến, chỉ một cái chạm nhẹ cũng đủ phượng trơ khấc, những cành nghều ngào, một trận mưa… tím lao xao. Ai nỡ tay quét đi vẻ đẹp chắt chiu của một mùa nức nở đó? Thành quả của vẻ đẹp còn nguyên đấy, bất động, mong manh, rộ lên những sắc màu cuối cùng của một sự hoàn thiện, sắp sửa biến mất trên thế gian này…!
Trong cái hữu hạn của đời người, đều có hữu hạn của sắc đẹp làm người ta càng yêu mến hơn với cuộc sống cũng như lòng mến mộ. Những khoảnh khắc tuyệt vời ấy, như ngọn lửa, thổi bùng lên  sự đam mê, như que diêm, cháy lên một lần, rồi vĩnh viễn…nằm trong tro bụi. Vẻ đẹp ấy ở cuộc đời không phải lúc nào cũng sẵn có, nó bay là là trong không gian, bất định, thi thoảng lại rộ lên, rồi mất hút, như lộc trời ban phát cho mọi người một chút hi vọng để lấy lại lòng từ bi của cõi phúc và có thể nhìn sâu hơn về cõi đời.
Vừa ngồi ăn, nhìn hàng phương xanh mà ngẫm nghĩ. Đành rằng, trong cuộc đời ai cũng phải đi tìm một lí lẽ cho riêng mình, và mong muốn được tận hưởng cái đep, đều thuộc hữu hạn trong cái vô hạn mà thôi. Vì, chúng ta đang sống trong rất nhiều bất an, thì tại sao cái cầu an kia không phải là mong muốn…?
Cái đẹp đối với chúng ta, có lẽ còn xa lắm!

TUẤN ANH

Thứ Bảy, 15 tháng 9, 2012

LÚC CÁI ĐẸP KHÔNG CÒN

            Sắc đẹp thường bao giờ cũng làm người ta rùng mình bởi 2 lẽ, thứ nhất là lòng ngưỡng mộ, thứ 2 là sự ham muốn.
            Trước vẻ đẹp hoang sơ của nhân tạo hay thiên tạo, người ta đều trầm trồ khen ngợi và quí mến. Nếu như vẻ đẹp đó, trong tầm tay ( trong khả năng kinh tế cho phép) , thì họ cố tìm cách tự tạo riêng cho mình, để sở hữu. Còn nếu vượt tầm với, thì họ chỉ biết bái vọng từ xa mà mong đợi...Và mong đợi đến một lúc nào, một khi nào, có nhiều thời gian hơn, họ lại về đây thưởng ngoạn cái vẻ đẹp cao quí đó. Nhưng cái vẻ đẹp nào cũng không trùng nhau theo qui luật, mà phụ thuộc theo thời tiết, mùa vụ,  hay như lòng trắc ẩn của những người ngắm nó. Cái đẹp đó có thể không đẹp, nếu như người ta buồn rầu, hoặc trong lòng có sự u uất, thì những cánh hoa đó ...cũng như tờ giấy, bất động.
          Còn nếu những người có lòng say mê, thì chỉ mới thoáng thôi, trong lòng họ đã rạo rực...và bị hút vào như mê trận, để rồi ...ngẩn ngơ.
          Vẻ đẹp là một nửa, con người là một nửa, cả hai cái đều gắn kết với nhau, không tách rời. Nếu như vẻ đẹp kia không có con người biết đến, thì vẻ đẹp ấy cũng dễ...thành hư vô.

TUẤN ANH

Thứ Bảy, 25 tháng 8, 2012

TÌM TRONG IM LẶNG

            Muốn ngồi nghe một bản nhạc không lời thật dài, chầm chậm để mình ngồi yên trên chiếc sopha, trong căn phòng lặng im, thiếu sáng.
            Những ca từ chẳng biết đi về đâu mà mình thèm khát đến thế. Người ta bảo cái đi rồi, chính là cái đang đến mà chính bản thân tôi cũng nhiều lần lập luận như vậy, nhưng rồi tôi lại không tin...! Tôi không biết mình thiếu cái gì mà chỉ thấy lòng vắng tanh, như một khoảng sân đã nguội lạnh. Chiếc màn hình tivi vẫn nhập nhằng đưa đẩy, vô hồn, chỉ có tác dụng trang trí cho căn phòng bớt đi trống vắng mà thôi.
            Không biết em ở đâu hay đang đi trên đường với một người khác mà mình không dám gọi. Liệu em có nhận ra mình không, hay chúng ta không quen nhau. Có lẽ thế cũng tiện.ánh mắt mình đỡ phải giật mình, cho cái cúi xuống vào...chỗ chẳng có gì!
             Im lặng để ...tìm mà cái tìm ấy... trống hua?

TUẤN ANH

Thứ Sáu, 10 tháng 8, 2012

KHOẢNG LẶNG



Nằm trên mặt boong, nghe lại bản nhạc cũ, thấy lòng xa thẳm. Anh em trên tàu mỗi người một góc, tự tìm cho mình thú vui, để gây dựng. Còn mình, nhìn về mảnh trăng cuối tháng sấp ngửa, lòng cứ đầy lên sự mơ hồ.
Trong đám đông tôi rt ít khi nói chuyn, thường ch lng l quan sát và lng nghe người ta, ch hiếm khi có chính kiến. Thế nên, rt nhiu ln, các bn xung quanh đu nói: "sao ông c im như thóc thế?"," đúng là “người ta gieo, còn ông thì gt..."  Nói như thế cũng đúng, nhưng thc ra, li chng đúng chút nào, bi mi người đu có hai khong đi sng khác nhau, mt là khong đi sng thc ti vi gia đình, hai là khong đi sng riêng đang nm đâu đó trong sâu thm mi con người...đó là khong lng. Khong lng này, ít thy, ít xut hin, nó ch bt phát, khi tình cm dn lên qua mnh, sc chu đng không ni, thì lúc này người ta dùng đến nó và nó... xut hin. Khong lng này mong manh, d v, nhưng nó cho ta thy s vĩnh hng, mt đam mê ca s tn ti, đ đi tiếp con đường ca chính mình. Khong lng tâm hn này, là khong lng v không gian, nơi mà người ta có th ngp ln, hoc tr v đây đó,  đào bi, cầm nắm...nhng th mà người ta thích...Có th là mt bông hoa di, mt con chun chun, có th chng là gì c, đơn gin, ch đ ngm nhìn, nơi mình đã đi qua... Khong lng y như mt h nước đc, ngoáy mãi ri, cn phi đ cho lng li, đến tn cùng, khi gn vi nhng th nước bn thì đt nhiên, mình nhn ra kết qu khác...S đong đếm ca thi cuc s phân gii...và sau đó l ra nhiu khong sáng. Khong sáng y chính là thi gian đ phân đnh, cái còn, cái mt nhng cái cn nm gi hay buông b. Khong thi gian này là đ chín ca cm xúc và lí trí, khi mà trong thc ti, ta khó thoát ra được.
Ngi với bạn, tôi vẫn mênh mang trong hồ nước của mình, th hi, tôi đang "gieo"... hay là ... "gt"
Ngoài kia, trăng đang rơi xuống mép nước, yên lặng. Những ánh sáng thuần túy không biết nói, lại hắt lên như một bản thể.

TUN ANH


Thứ Hai, 16 tháng 7, 2012

KHI CÔ ĐƠN GỌI

          Cô đơn, thực ra, không phải xuất hiện khi sống một mình, mà là từ hai người trở lên. Khi có hai người, thì người ta mới chia sẻ và rung cảm, sự cô đơn ấy mới xuất hiện.
          Càng nhiều người, thì sự cô đơn càng có cơ hội xâm lấn. Trong các hội trường, hay cuộc họp nội bộ gì đó, ta đều dễ dàng nhận ra những bóng dáng của cô đơn. Họ đang len lỏi, ngồi đâu đó, có thể xung quanh mình, mà chính mình... cũng không nhận ra. Nỗi cô đơn đó đang gậm nhấm, lớn dần, trong trái tim họ, gần như đã mục ruỗng...nhưng bề ngoài vẫn gắng gượng, vẫn cười đùa, không ai biết.
          Cô đơn họ chia sẻ với ai? Không phải ai họ cũng chia sẻ, sẵn sàng mở lòng mình...như một gói quà. Nỗi cô đơn, hầu như được gữi kín, bao bọc với nhiều vẻ mặt, và những lời nói khác nhau. Khi cô đơn, người ta muốn ngồi một mình trong mưa hay trong giá lạnh se se, hoặc có những giọt nước lã chã, hay là ngồi nghe một bản nhạc không lời thật nhỏ, phải giỏng tai lên mới thấu rõ từng âm điệu le lắt, xa vời...Hoặc lơ đãng nhìn vào mặt hồ, lơ thơ vài cánh bèo...lạnh băng...
          Cô đơn không phải họ rũ bỏ lòng mình, mà là những khung cảnh kia, sẽ thay họ, len vào tâm trí làm mềm đi một vài nỗi lòng mà không kìm nổi...
         Trong cô đơn, người ta thật thanh thoát và mềm yếu. Ai hợp họ, có thể chỉ cần một cái nắm tay, hay một câu nói tưởng chừng như đơn giản, cũng đủ làm họ nhớ suốt đời...


TUẤN ANH

Chủ Nhật, 1 tháng 7, 2012

NGỔN NGANG VỚI "GIẤC MƠ KHÔNG NƠI CƯ TRÚ"



          Nhà thơ Tuấn Anh, hội viên Hội nhà văn thành phố Hải Phòng gửi tặng tôi hai tập thơ của anh, đó là tập thơ “Ô cửa tháng Giêng”, NXB Hải Phòng ấn hành năm 2005 và tập thơ “Giấc mơ không nơi cư trú” NXB Hội Nhà văn ấn hành năm 2010. Tôi còn được biết anh vừa giành ngôi “á quân” cuộc thi thơ về đề tài Hoa phượng lần đầu tiên do Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật thành phố Hải Phòng tổ chức năm 2012.
          Không ồn ào, Tuấn Anh lẳng lặng chiêm nghiệm theo cách riêng của anh trong thơ. Nếu ở “Ô cửa tháng Giêng” anh chia đôi cuộc đời mình giữa sự lãng mạn, mơ mộng của tuổi mới lớn với sự cả nghĩ của người đang vào độ trung niên. Sự thơi thới hồn thơ qua “Ô cửa…” nhanh chóng thay thế bởi sự ngổn ngang con chữ trong “Giấc mơ không nơi cư trú”. Nó ngổn ngang là vì mỗi bài thơ, mỗi câu thơ khiến người đọc sau mỗi lần đọc lại phải nghĩ theo hướng khác trước, chẳng giống ấn tượng ban đầu. Một thứ thơ không theo bất cứ cấu trúc nào, chẳng dễ đọc và nếu không kiên trì thì người đọc dễ để thơ anh sang một bên, cùng với những nhà thơ viết theo lối “hậu hiện đại”, để đi làm việc khác.
          Nhưng may thay, thơ Tuấn Anh còn có chỗ để neo vào cảm xúc của người đọc truyền thống như tôi. Ấy là tôi nghĩ chủ quan thế. Nhà thơ có nhiều tâm tư với công việc sáng tạo, nhất là với thơ: “Con diều chằng đụp/Buông làm sao vào thăm thẳm/Trong cơn mơ tối om/Biết khi nào sáo sẽ gọi về” (Đợi mơ). Hơn một lần anh mong ước vượt qua những lối viết, nếp nghĩ cũ để vươn tới chân trời vinh quang của thơ: “Đợi khuya/tiếng đồng hồ thũng thẵng gọi/những giấc mơ thật/vinh danh”. Quan niệm thơ của anh rõ ràng: “Lùa bàn tay cánh đồng phục sinh/đặt lại nhân quả/mong thoát xác/nằm ở bên này giấc mơ” (Tự bạch). Như thế là Tuấn Anh đã dấn thân vào sáng tạo, sáng tạo ngôn từ và hình thức trong thơ. Sự sáng tạo ấy có thành công hay không còn đợi thời gian, nhưng anh dám tự tin: “Đừng vin cớ hy vọng mà ngóng đợi/Thì thời gian sẽ xanh hơn” (Mơ về một đêm tháng Mười).
          Nói thơ Tuấn Anh còn neo vào cảm xúc của người đọc là vì có những câu thơ với những hình ảnh rất đẹp và gợi: “Rồi mùa thu cũng sẽ về thôi/Cũng rủ rỉ hương thơm/cũng hoe hoe vàng đầu ngõ/Em lại vẽ con diều chấm đỏ/Thả vào chiều tơ vương” (Những bài thơ ngắn.Bài số 7). Anh viết rất hay về nỗi nhớ thời tuổi thơ: “Chiếc cặp bím ô ăn quan/Liếc ngang/Mòn ngã ba hoa mào gà nở (…) Thời gian mải chơi/Thời gian chờ đợi/Cong cong hơi thở/Bay” (Nhớ). Thuở học trò, tình yêu đầu đời dù đó là cảm tính thôi, chỉ với con mắt “liếc ngang” bím tóc hồn nhiên, thế mà đã đợi đến “mòn ngã ba hoa mào gà nở”. Chữ “mòn” ấy sao mà tinh tế, tạo cho hình ảnh thêm gợi, đẹp và thơ mộng xiết bao.
          Trong “Giấc mơ không nơi cư trú” đầy ắp sự ngổn ngang. Quá khứ, thực tại và những cái sắp đến tất thảy đều ngổn ngang. Tình yêu, nỗi niềm, tâm trạng, giấc mơ, bầu trời, mặt đất, con đường, cánh diều, quán cà phê, rồi cả cái chết… ngổn ngang những liên tưởng. Và mông lung. Khi thì nhà thơ triết lý: “Cần phải lắng nghe, mới hiểu mọi điều/Cần phải làm, mới tìm ra lẽ phải/Muốn làm người/Còn học cách hy sinh.” (Ghét). Khi thì buông xuôi: “Chuyện trên trời dưới bể/cũng chẳng kể làm gì/cứ để lộn xộn như thế lại hay/Tôi, cũng đỡ phải mất công/những lời kể lể và thời gian phân định./Những cái rạch ròi nhiều khi cũng chẳng có nghĩa” (Độc thoại trước gương tình yêu). Cũng có khi anh tạo ra thứ ngổn ngang vô lý, nhưng đọc kỹ lại có lý là bởi vì tâm trạng của kẻ thất tình: “Áo dài em cắt đi một nửa/Xe hai bánh em tháo ra còn một/Trên đường sấu buồn/Em thành người khác” (Bông tầm gai). Thơ Tuấn Anh viết theo chủ trương hiện sinh, tích hợp mọi sự vật, hiện tượng, cả ảo và thực để tạo nên tâm trạng thơ, song anh lại tách thơ khỏi cảm xúc. Điều đó tạo hiệu ứng cho người đọc ngẫm ngợi, nhưng không phải ai cũng giải mã được những điều anh đã mã hóa vào thơ.
          Một điều khá thú vị trong “Giấc mơ không nơi cư trú” là hình ảnh chiều và đêm. Rất nhiều bài thơ, câu thơ chứa những thi ảnh này được Tuấn Anh nhắc tới. Nào là “Thôi cứ kệ, chiều cũng về thơi thả”,Hình như đêm chỉ có một nửa. Còn một nửa lạc đâu phía ban ngày”, rồi “Hình như đáy đêm chẳng có người nào/Họ đang nằm ở tầng tương lai”… Có những bài thơ viết hẳn về  chiều và đêm: “Ghi chép về chiều”, “Gọi chiều”, “Mơ về một đêm tháng Mười”, “Ngôi sao đêm”… Có lẽ, ở khoảng thời gian ấy con người có nhiều tâm trạng và nghĩ suy, và như thế là ngổn ngang lắm.
          Lặng lẽ làm thơ, dấn thân vào sáng tạo, nhà thơ Tuấn Anh có thể thành công với con đường riêng của mình. Nhưng tôi vẫn mong được đọc anh với những câu thơ giàu thi ảnh, không bị “mã hóa”, như “Chạy suốt chiều mảnh sân con/Mặt trời ủ trong vòng tay bí ẩn/Chiều bắt được/Chú ve non gẫy cánh vô hồn” (Cuối hạ); hay như: “Mới hoe vàng thu mở ngỏ/Lạnh lẽo tiếng sáo diều khuya (…) Rụng một trái vàng cuối nắng/Chạng vạng chiều lững thững rơi” (Với thời gian)./.
Hà Nội 1-7-2012


 NGUYỄN ĐÌNH XUÂN

Thứ Ba, 12 tháng 6, 2012

GHI CHÉP 3

Cho anh hôn em lại một lần, để anh thấy rằng em vẫn còn
                                                                         ngọt ngào
cho anh cầm tay em lại một lần, để anh thấy rằng tay mình
                                                                      còn ấm áp
cho anh nhìn kĩ em lại một lần, để khi đêm về, anh trọn vẹn
                                                     nhớ em, không nhầm lẫn
trong giấc mơ anh mải đi tìm
vẫn thấy những ngón tay lẻn về gõ cửa
vẫn thấy đôi môi chúng ta hướng lên chờ đợi
ở cuộc vòng xoay này
miên man...

vì trái đất chúng ta như con thoi
anh chỉ sợ mình chạm nhau
mà chưa biết đã từng gặp mặt...

TUẤN ANH

Thứ Ba, 5 tháng 6, 2012

GHI CHÉP 2

Bình thường nở một nụ cười trước một chuyến đi
ngoảnh nhìn, ngôi nhà mình bằng ánh mắt ấm áp
mong sẽ qua con đường đất nhỏ
qua một ngã ba
bình tĩnh...
rút lại giây giầy mở
sửa lại chiếc cổ áo hơi mềm
rồi
bình thường...
lại quay đi!...

TUẤN ANH

Thứ Hai, 28 tháng 5, 2012

VIẾT TRONG THÁNG TƯ

Em đi đi, đừng bao giờ quay lại
thời gian dưới chân anh mệt nhoài
con cu gáy vẫn rúc vào mỗi sáng
gọi bình yên

cố rểnh rang khâu lại nỗi niềm
bằng một điệu valse đã cũ 
giọt cafe quyện vào sóng sánh
có lẽ anh sẽ ngọt ngào

em đi đi, đừng bao giờ quay lại
để tối nay anh ngồi trong giấc mơ
sắp xếp lại những cái còn cái mất
rồi rót ra ba chén rượu
một chén dành cho anh
một chén dành cho em
còn một chén
anh đổ vào sâu thẳm
lấp lại...
trồng lên đấy một cây đào tiên
để chiều chiều, những lúc thoảng qua, ngồi xuống
anh tựa vào
ngắm...

TUẤN ANH



Thứ Hai, 14 tháng 5, 2012

GHI CHÉP 1


Trong ngực tôi có con chim nó hót
Ủ ê...như một giấc ngủ say
Chim nó hót, để cho tôi ngủ
Chim ngủ rồi, tôi lại hót thay chim...

TUẤN ANH

Thứ Ba, 1 tháng 5, 2012

NGÀY 21


Những ngọn nến như lá bùa
ngả vào trong đêm đủ 32 phương trời
một điều ước được lấy lại
từ những ngày đầu tiên, khi bàn chân em trệu trạo đi
bôi đen thái dương những ý nghĩ khôn cùng
vạch trong đầu, lúc này đây, khuôn mặt mình đã khác

32 năm như chiếc lá không màu
quá khứ hình con thuyền hành hương
lan man ngoài bến cát
không neo...
tháng 9 ủ ê em mải nhặt sao rơi
cuộn vào những giấc mơ muối mặn
những mù u quàng vai như dấu hỏi
buộc vào thinh không

cơn gió đêm nay dài lắt lay
sinh nhật em, anh thổi vào giấc sâu cùng 32 ngọn nến
thổi vào lòng hoang cơn gió hanh chập choạng
một điều ước thật giản đơn
đã đôi lần sửa lại...

32 lần
anh lại gọi phù sinh...

TUẤN ANH


Thứ Hai, 23 tháng 4, 2012

ĐEN VÀ TRẮNG

Cầm quyển sách trắng đen
thấy mình dềnh lên ở một hố đen
những tấm bê tông đen, những chiếc xe máy đen
                              len lỏi qua những bóng người đen kít
 những câu nói cũng đen đen tự thuở nào

muốn cười lên cho lòng mình trắng
cho nỗi buồn trắng
trong veo
để mỗi ngày ở phía xa kia
trắng những tảng mây hiện về
đơm xinh

trong căn nhà treo toàn ống sáo đen
nơi tôi dựa vào đây, tìm ra lời bài hát
bài hát đen
bây giờ tôi thổi thành trắng...

TUẤN ANH

Thứ Bảy, 7 tháng 4, 2012

VIẾT CHO EM

                                                
                                                      Cho Diêm Nguyễn

Mình yêu nhau đi
Rồi sẽ đến cầu ước vọng
Cầm xúc xắc mặt người
Gọi vui

Cùng nhìn về tương lai phía bên kia bờ đại dương
Tiếng ve kêu mòn nách lá mà mùa hạ vẫn chưa tới
Không biết tháng năm có thật
Hay là treo lên để làm vì

Sốt ruột, không biết mình đã từng xếp hàng
Chờ những vì sao mỏi mệt
Lấm chấm đường chân trời
Lơ lắc chảy

Vài những dấu ngày hơ hắc
Thiên di...

TUẤN ANH








Thứ Sáu, 23 tháng 3, 2012

Ở VƠRONHEZ NHỚ VỀ HOA PHƯỢNG

Hoa phượng chạy đi đâu rồi
Căn phòng lắc lư vài chiếc chuông gió
Chiếc giường ốm ho không thở
Tháng năm nằm liên miên

Ngồi với quyển sách cười
Cố tìm lại điều đã mất
Con hạc giấy lắc lơ hi vọng
Được bay về trời

Cánh hoa phượng giờ chẳng thấy trôi
Dích dắc trên bầu trời toàn mây trắng
Chạm vào cốc nước cam đã lạnh
Cuối bàn

Muốn chống mắt lên co ro
Thì ra bạch dương cũng vừa mở mắt
Tháng năm du canh hay du mục
Để hoa phượng về du ca...

TUẤN ANH

Thứ Năm, 23 tháng 2, 2012

CHIẾC BÀN

Đặt bình nước lên bàn
Đợi em đến đây ngồi với anh, uống một li nhỏ
Cất chiếc đĩa đựng socoolate vì đã hết tiền
Lau chiếc gạt tàn lấy sáng
Định tâm bàn làm điểm
Quay...


Ở 90 độ, em chả quan tâm tới việc này
Ở 95 độ, em phù phiếm
Ở 120 độ, cốt lõi không phải việc này
 Em đến đây để gặp anh
Cũng chỉ như khách qua đường

TUẤN ANH

Thứ Ba, 7 tháng 2, 2012

HOÀI KHÁNH -NGƯỜI DẮT BIỂN LÊN TRỜI

                                Đường đá xếp tận nơi
                                Những con chữ khó nhọc
                                Dắt biển lên với trời
                                              ( Đường ở đảo)
             Tôi đọc bài thơ này đôi lần, nhưng rồi vẫn muốn đọc lại để thấy được những khung cảnh khó nhọc của trẻ em ở đảo đi học. Đành rằng, các em đi học, ở làng chài phải đi theo "thuyền", khác với trẻ em đất liền.  Đường ở đảo mà trẻ em đi...  "nằm trong khoang thuyền", phải ngồi trên sóng chơi vơi, những con chữ khó nhọc cũng theo nhịp sóng, nhịp sóng, nhịp đời...
               "Dắt biển lên với trời" có thể thấy được cái tung tăng của trẻ nhỏ, có nhiều ngộ nghĩnh đầy ngẫu hứng, nhưng lại cho ta cảm giác bền bỉ, về một quá trình dám chấp nhận, để vượt lên chính mình.

              Dắt biển lên trời là tập thơ thứ tư của nhà thơ Hoài Khánh do Nhà xuất bản Kim Đồng ấn hành năm 2012, cũng là tập thơ thứ tư về thơ thiếu nhi của anh.
              Sự duyên nợ với thơ, quả đã là gian khó, nhưng với thiếu nhi thì đúng là một thách thức. Trong phong trào đổi mới thi pháp theo xu hướng thơ Việt hiện nay, làm nhiều người quay lưng lại với thơ thiếu nhi, một số chuyên tâm cũng nửa đường đứt gánh. Đổi mới thi pháp, vẫn là một câu hỏi chưa có lời giải mà thơ thiếu nhi cũng nằm trong trào lưu ấy. Chúng ta có thể cách tân bài thơ cho người lớn thật dễ dàng nhưng với thiếu nhi, liệu có được chấp nhận?
              Làm thơ thiếu nhi, ngoài niềm đam mê, còn phải biết trung thành, với những đấng  "tối cao" là các em, và các em mới là vị giám khảo quan trọng nhất. Viết cho các em mà các em không nhận thì viết cho ai? Có lẽ, cái tiến (về mặt thi pháp) nên được cân nhắc lại. Chúng ta chỉ là một trong số đông, lẽo đẽo theo thi ca, mà Hoài Khánh là một ví dụ, trong ít ỏi những người còn bám trụ với mảng thơ của mình

              Tập thơ mỏng với 20 bài cho ba đối tượng từ mẫu giáo, nhi đồng và thiếu niên và cũng là những bài anh viết trong những năm gần đây về đề tài này. Điểm mạnh của thơ Hoài Khánh là anh có nhiều quan sát rất tinh tế mà lai dí dỏm:
                              Sáng ra biển hóa trẻ con
                              Sóng lắc ông trời thức dậy
                                               (Xuân trên đảo Bạch long vĩ)
              Thì ra nhà thơ đang hòa mình vào trẻ con để nhìn, khi đang thung thăng trên đoàn tàu với những "chuỗi còi thân thương" đang thả...
              Hay như:
                                Nhộn hơn trẻ nhỏ
                                Sấm không râu tóc
                                Tuổi bằng lũ nhóc
                                Vẫn được làm ông
                                                 (Sấm)
             Cái bí mật, nhưng rồi cũng không bí mật mà là "giấu sau nụ cười/là cái răng sún" (Bí mật), làm ta bỗng cười vang lên,  như mới tìm được của quí mà thực ra cũng đáng yêu nhường nào. Có một số câu thơ hay của Hoài Khánh, nếu đọc qua có thể ta không gặp, bởi những trải nghiệm cuộc đời mà trong thơ thiếu nhi đã được mã hóa.
                                 Bụng đựng ngàn năm tuổi
                                 Núi vẫn là núi non
                                               (Núi cùng em đi học)
             Cũng là một cái nghiêng đầu của chú bê láu táu với bước chân nhuênh nhoang đang đùa với nắng để rồi "giẫm lên bóng mình". Cái tuổi thơ có thể tròn trịa, nhưng cũng có thể hao gầy, và sự nhí nhảnh để lặp lại mình, chắc rằng ai cũng có.
            Ở bài thơ "Nếu Hải Phòng chỉ toàn người lớn" như một dấu chấm hết cho lứa tuổi trưởng thành, gần cuối tập thơ, nhưng nó cho ta một thông điệp gần như ngược lại. Những qui luật về trẻ- già tưởng như tan biến thì bỗng chốc được nhắc lại như dấu tích của sự luân hồi, buộc ta phải tự hỏi:
                                Nếu Hải Phòng chỉ toàn người lớn thôi
                                Không còn đâu trường Mầm non, Sao sáng
            "Không có ai phá cỗ đêm trung thu", có vẻ như đơn giản như một lời nói, nhưng với người già, như cánh cửa khát vọng đã khóa lại làm người ta liên tưởng tới sự cô đơn cho số phận nhỏ nhoi của đời người. Còn vẽ mặt trăng  có mắt thì chỉ có thiếu nhi mới làm được điều này. sự ngộ nghĩnh ấy làm ước vọng người ta hồi tỉnh, trái tim con người biết yêu và cũng biết lắng nghe...Sự phát triển của xã hội phải có sự hòa trộn của nhiều thế hệ để có sự cân bằng trẻ và già, và già với trẻ cũng là một mắt xích. Trước sự cô đơn người ta hay tự hỏi mà cách hành xử nhiều khi khó hiểu
                             Bác Bảo vệ chẳng có người để mắng
                             Biết tìm ai hái trộm táo ông trồng
            Câu thơ rất giản dị, nhưng lại nhiều suy ngẫm về vấn đề xã hội .
            Sự phát triển hai mặt của một vấn đề, đó không phải là sự bàn cãi mà là sự chấp nhận, vẫn cần phải biết sống chung, đó là thông điệp mà nhà thơ Hoài Khánh muốn gửi lại cho chúng ta về tập thơ này.

TUẤN ANH



Thứ Hai, 23 tháng 1, 2012

MÙI ĐÀN BÀ

Thong dong qua chiếc bàn kính
mùi đàn bà
bốc hương

Đã chạm vào ngón tay trỏ
(vừa nãy thôi, đã rửa sạch rồi)
mùi đàn bà trắng tinh
soi lên lại thấy đen hạt đỗ

muốn để sâu trong túi áo
nhưng lại sợ
mùi đàn bà
bốc hương...

TUẤN ANH