Thứ Năm, 19 tháng 12, 2013

MỘT MÌNH

1.
Một mình… ngả lưng vào thành sopha cho thời gian thánh thót, cho tiếng nhạc đưa đẩy, từ từ bò quanh mép bàn, những âm điệu í a, lãng đãng theo giọt café đen bóng, gõ thành tiếng lanh tanh.
 Đêm đang trôi, đang trôi vật vờ, lúc được, lúc mất như ánh đèn màu hua hắt, khó lòng mà định hướng…Thời gian không còn là số đếm mà kéo thành từng mảng đen kít nối liền nhau và nhầy nhụa. Ta ngồi đây như con lắc, đu trên những sợi dây chùng chình số phận, chỉ sợ những sợi dây mỏng manh kia một ngày sẽ đứt… danh dự hay danh vọng đều thấy lập lờ.
Một mình…nhìn quanh bàn bất động mà thấy lòng nhói động

2.
Một mình…xoay người lại, nhìn về khoảng không héo rũ, muốn định thần về một con đường rõ ràng nhưng không thể. Những ánh sáng nhập nhằng, lấp liếm các vật thể, làm lòng mình cứ choãi ra, lạnh lẽo. Cho chút đường vào ly café, để lấy thêm thứ dư vị ngọt ngào trung hòa trong đó, mà vẫn giữ được hương thơm của nó, vẫn giữ được màu sắc của nó, có cái cớ ta được khuấy lên, để biết rằng ngọt đã tan…trong đắng.
Nhấp một ngụm thấy tê tê ở đầu lưỡi, lặng lẽ nhìn lên trần nhà tìm một điểm để định vị nỗi lòng, những phút lang bang chẳng biết về đâu, muốn chậm lại trong sự đời trôi chảy mà thấy khó. Ước ao hình như là một sự khô cạn, không thể gieo trồng được, chỉ là con đường vẽ  nhiều màu, tập cho ta yên lòng trong cõi mơ, bước từ ảo giác sang ảo vọng.
Những ca từ mềm nhũn, vật vờ, ẻo lả múa rồng, múa phượng như cố căng ra trong không gian lạnh ngắt, muốn tái tạo từ không đến có, rủ mình về yên ả, trong màn đêm yên bình, cho nỗi nhớ yên tĩnh, cho ước vọng yên tâm, để mình thấy yên lòng.
Một mình…không cầu cạnh gì về quá khứ sẽ đổi thay, khoác lên mình một tấm áo sặc sỡ để hít hà thứ vinh quang bái vọng, chỉ biết lặng im với cõi lòng trồi sụt, hướng về sự bình an, cầu nguyện. Cõi thiên đường vẫn mở, đường nhân gian vẫn nượp người, trong ý thức ta tìm về vô thức, trong an thần ta tìm chốn vô thần, một vài khái niệm vu vơ gửi lên trời…
Một mình…xoay người lại, rồi lại đảo xoay…

TUẤN ANH



Thứ Bảy, 23 tháng 11, 2013

DỌN DẸP

Tôi được phân một căn phòng của anh bạn mới về hưu, ở khoang mũi. Căn phòng không to, nhưng đủ rộng, cho những sự bày trí mà theo tôi, có lẽ rất ổn. Sự sở hữu một căn phòng, hình như cũng là điều hạnh phúc. Từ đây, tôi sẽ tự do toàn quyền. Nhưng sự tự do nào cũng có cái giá của nó.
Thế là tôi lao đầu vào dọn dẹp. Tất tần tật, từ cái bàn, cái ghế đến cái ga trải giường…tôi lau chùi sạnh tươm. Một số ít mang đi giặt rồi phun lên đấy bằng một thứ nước hoa lài thơm ngát.
Căn phòng đã thuộc về tôi, có hương thơm của tôi, có cách bày trí theo ý tôi và có đồ dùng của tôi. Hạnh phúc là một sự tự do, mà nhiều khi chỉ có tự mình mới cảm thấy được…

Tôi nằm dài trên giường, ngắm đôi chút miên man và tôi chợt nhận ra rằng: dọn dẹp căn phòng mà không dọn dẹp tâm hồn, thì cũng không thể sáng lên. Những cái phòng đẹp, mà tâm hồn vẫn cũ, thì trước sau vẫn cũ.
Tâm hồn là nền tảng, là cốt lõi, khi ta nghĩ đầu tiên, để dọn dẹp chúng.
Có người dọn căn phòng của mình bằng tất cả khả năng từ kì cọ, đánh rửa, thay đổi, hòng có cái nhìn mới hơn về nhãn quan. Nhưng cũng có người, họ chỉ dọn dẹp căn phòng của mình bằng cách tháo bỏ một góc nào đó trong tâm hồn, để được thanh thản. Dọn dẹp căn phòng, không đồng nghĩa dọn dẹp  bằng vật chất mà bằng ý thức. Dọn dẹp cũng đồng nghĩa là rũ bỏ, đồng nghĩa là hủy hoại và cũng đồng nghĩa là sự bàng quang.
Tôi bước vào căn phòng sạch sẽ, không tí gợn, mùi nước thơm thoang thoảng, gợi lên sự sâu lắng, bâng quơ…thì tôi nhận ra rằng, đang bị lừa dối bởi sự sạch sẽ kia. Cái tôi cần không phải là sự sạch sẽ, không phải là sự mới mẻ, mà là sự tiếp tục… chỉ cần những cái gì của tôi vẫn còn đấy, nguyên vẹn, đừng phủ lên những lớp màu bóng lộn, đừng chen vào bằng một vài đường nét rối bời…căn phòng của tôi trật tự, có chút luộm thuộm, nhưng nó phù hợp với tôi và đồng cảm với tôi.
Dọn xong căn phòng, tôi vất xuống góc bàn một vài tờ báo, một vài cuốn sách, như để đánh dấu, một sự ngụ cư của tâm hồn, một chút gì lãng đãng.
Dọn dẹp căn phòng, đâu có phải là cất đi, mà có khi lại là sự bày ra để mà chiêm ngưỡng.

TUẤN ANH



Thứ Sáu, 11 tháng 10, 2013

NHỮNG TIN NHẮN BIẾT NÓI

Sau một công trường đằng đẵng, con tàu lại về neo ở bến Trà Vinh heo hắt. Chiếc điện thoại của mình từ lâu rồi không biết kêu, cứ im re, chẳng có một cuộc gọi nào, cả tin nhắn cũng vậy. Cứ đà này, có lẽ mình sẽ điên lên vì mong đợi. Và cũng từ lâu rồi, mình đã mong nhiều lắm nhưng càng mong càng sốt ruột, không biết sự mong đợi của con người được làm bằng gì mà mình không phân định được sự đúng sai, chỉ biết rằng thấy thèm khát, thấy nhớ nhung khó tả.
Yên tâm chờ đợi, để mong niềm vui đến với mình hay chủ động nhắn tin, để tự tìm niềm vui cho mình, cả hai thái cực này, đều phân vân, nhưng chả lẽ cứ chờ, thì bao giờ sẽ có niềm vui? Thế là tôi rút điện thoại ra hí hoáy, một dòng tin nhắn ban đầu đã xong. Tôi đọc đi, đọc lại từ dấu chấm, dấu phẩy, không phải vì sai chính tả, mà vì ngữ nghĩa, nó có thể sai lầm trong khi vội vàng. Một thao tác nhỏ, chỉ mất một giây, nhưng một ngữ nghĩa sai, có thể hỏng cả một con đường.
Một tin nhắn đã định hình, như vừa trút được niềm vui và hi vọng bắt đầu được đốt lên dưới những con chữ ảo mờ. Tin nhắn, có thể là lời đối thoại, hay là nỗi lòng, hay chỉ là những hỏi thăm đơn giản mà con người thường vẫn làm với nhau trong đời. Hoàn thiện dấu chấm cuối cùng, tôi bắt đầu chuyển nút. Một dòng tin nhắn được gửi đi. Ngẩng mặt lên, tôi nhìn vào không trung, như nhìn vào định mệnh, số phận của mình được định đoạt trong dòng tin nhắn ấy.
“Tít, tít”, sự phản hồi đã bắt đầu. Một khuôn mặt thân quen, mặc định, cài đặt sẵn trong điện thoại xuất hiện, một hồi âm của niềm vui, những câu chữ, giọng nói mà mình đang mong chờ…Nếu mình không nhắn đi, thì làm sao có dòng tin nhắn này gửi về, có lẽ sự tự đi tìm cũng là một giải pháp?
Run run trong ngón tay, run run khóe mắt mình, một cách nói quen thuộc, đang hiện ra.
Mình thấy nóng mặt, đã có sai lầm ở đâu đó, hình như cũng là câu chữ… Ôi, những con chữ biết nói, những con chữ biết thay mặt mình, đi làm công sứ…mình đã tin vào nó, đã phó thác cho nó một nhiệm vụ cao cả của sự rạch ròi, để rồi bây giờ, mình thấy nóng ran…Cái mình tin bây giờ đã thành bất tin. Tin nhắn có thể là bắt đầu của sự khởi đầu, nhưng cũng là sự bắt đầu của sự kết thúc.
Chiều lại trôi về góc ấy, chẳng nghĩ gì đến cơn gió đã đảo chiều, con tàu giờ đã quay ngang sang một bên, vẫn hướng vô định. Ở trên kia, điện thoại tự đông nạp pin và khởi động lại từ đầu…


TUẤN ANH

Thứ Bảy, 24 tháng 8, 2013

NGÀY CHỦ NHẬT

Đang làm việc, chợt có điện thoại của một người bạn ở tỉnh Sóc Trăng gọi tới, anh là người bạn cũ, hồi quen ở mạng vnweblogs. Anh nói rằng, biết tôi làm gần đây, chủ nhật tới ( ngày lễ ), mời tới nhà chơi. Đột nhiên, tôi nhìn lên lịch, thấy đề hôm nay là thứ 6, vậy còn 2 ngày nữa, phải đáp xe sang đó. Hàng nửa năm nay, tôi có bao giờ quan tâm hôm nay là thứ mấy. Ngày vẫn ghi đầy đủ, tháng vẫn ghi đầy đủ, nhưng chẳng bao giờ tôi nhớ.
Ngày tháng ở dưới tàu, chỉ để xếp xó, có làm gì đâu, mặc dù, phòng nào cũng có lịch, có phòng còn treo tới hai cái. Lịch treo lên chỉ để trang trí, chứ chẳng mấy ai nhìn rõ hôm nay là ngày gì và thứ mấy…Chủ nhật hay thứ hai, cũng đều như nhau, cũng một vòng quay 24 tiếng đồ hồ, cũng chạy từ sáng tới tối và cũng đến bữa thì ăn, và đêm thì ngủ. Cuộc sống cứ lặp lại những chu trình vô thức mà chẳng ai tìm hiểu ý thức. Ý thức và vô thức, chỉ là cuộc vật lộn thắng, thua cho những người thích đòi hỏi và tìm hiểu, chứ những người đi tàu, họ cần nó làm gì? Thời gian với họ chỉ để phân biệt theo khái niệm sáng, tối, theo bữa ăn, theo giấc ngủ, không có nó, họ vẫn làm đầy đủ 8 tiếng ca kíp. Quan trọng gì, nếu như hôm nay là ngày lễ? Chẳng có vinh hạnh, được đi dự các hội hè, hay cơ hội cười nói trong đám đông. Một con tàu, đã vây họ lại bằng một hàng rào, không nhìn thấy, bằng những đường biên giới, là những lan can sơ sài.
Thế mà hôm nay, tự dưng tôi phải quan tâm, mong ước ngày được quay nhanh đi, thứ được quay nhanh đi, để mau chóng có cuộc gặp này. Thứ tôi không cần, nhưng giờ lại cần, thứ tôi không quan tâm, nhưng giờ phải lưu tâm. Vòng xoáy này, nó vẫn dịch chuyển từ sáng tới tối, không phải cho một người mà cho mọi người, khi ta biết nương vào nhau…
Ngày chủ nhật, đối với người, là ngày lễ bình thường hàng tuần, nhưng với mình, là sự khao khát của những con số đếm, khao khát của mong đợi, muốn lập lại những tái tạo cũ mòn đang bị lên men…
Ngày chủ nhật, tự dưng lại thấy tròn và sáng…


TUẤN ANH

Thứ Hai, 29 tháng 7, 2013

VIẾT CHO THÁNG NĂM

Sau một hồi mệt nhoài, ngồi trên boong tàu ngắm ra ngoài khơi. Phía xa xa là đảo Phú Quốc vẫn còn mờ mờ ảo ảo, vài con tàu lượn lờ như níu kéo buổi chiều còn sót lại. Tựa thành tàu, nhìn đám mây đen phơ phất, tháng tư đã gần hết mà mấy con nhạn vẫn ở lì không chịu bay đi.
Biển Miền Nam yên ả đến lạnh lòng, Hải Phòng đang chuẩn bị bước vào tháng năm. Mùa hoa phượng ở đâu, những đàn ve ở đâu, có sôi lên trong lòng mình một tí, để có thể nhớ lại ngày lãng đãng bên bờ sông Lấp nhâm nhi tách café.  Nhón lấy điện thoại, bật bài hát về thành phố Hoa Phượng, nhìn con tàu cũ càng sơn màu đỏ, chợt muốn rưng rưng. Tháng năm lác đác từng chùm đỏ cùng với ánh mắt hào khí. Tháng năm, nhớ về em, như nhớ về khuôn mặt cùng với nụ cười ngày ấy. Giá mà tóc em không rũ vào vai anh, thì có lẽ anh cũng chẳng ngồi đây với tháng tư, những chùm kí ức đong đầy trong vòng quay sàng sẩy, nhớ về em, như nhớ về một ngã rẽ trong đời.
Tháng năm, con tàu Long Châu mình còn miệt mài làm việc ở cảng Holcim, Kiên Giang. Sóng biển chồm lên thành tàu lua khua, những cơn gió u u của trời tháng tư ấn ức. Làm sao, có thể nhìn thấy được hoa phương đang nở, làm sao, có thể biết lòng mình đang đung đưa? Chạy đi pha ấm trà, ngồi với tháng tư còn sót lại, một khoảng nho nhỏ. Chiều ở biển lặng lẽ, không ồn ào, khi tàu buông neo. Nhìn xuống mặt nước vẫn những con sóng ầm ì không ngơi nghỉ, một sự tuần hoàn lớp lớp mà cũng chẳng biết về đâu. Ngồi một mình bên tách trà mà thấy lạnh. Tầm này ở quê, những tiếng trống hò reo ồn ĩ, những đứa trẻ háo hức với các mặt nạ, tìm chỗ quen…thách thức, nhưng đôi khi vẫn rộ lên thi thoảng, sau những chiều lặng lẽ. Tìm tháng năm, như tìm về chỗ…lạ.
Hợp đồng với nhà máy Holcim giờ là giai đoạn cuối. Kết thúc và bắt đầu không phải lúc nào cũng nằm trong dự định và sự toan tính. Chúng ta ngồi đây có thể vẫn còn nhiều và còn dài mà phải đi qua nó. Sự gần và xa không phải nằm gọn trong bàn tay, ai cũng có lúc gần và cũng có lúc xa biền biệt, sự nhớ nhung có thể sẽ còn dài mãi…nhưng người ta biết tìm về, tìm trong kí ức để thấy mình vẫn tồn tại, vẫn thấy một mạch máu đang chảy
Thôi thì,
Muốn bắc một cây cầu sang bên kia còn hoang vắng
Muốn bắc một cây cầu sang bên kia, khi con đường trong mình
                                                                         vẫn còn chưa tỏ
Vụng về những ngón tay thô dựng lên ô của
Lúc lắc những lục lạc vàng
Mông lung…
Tháng năm, chạy về phòng, khóa trái cửa lại, mong cho trời lại sáng…


TUẤN ANH

Thứ Sáu, 5 tháng 7, 2013

KÈN SAXOPHONE VÀ NGƯỜI NGHỆ SĨ

       
 Được anh bạn ở huyện Kiên Lương giới thiệu, chúng tôi rời tàu mò mẫm và tới người nghệ sĩ mù thổi kèn saxophone jazz. Anh đã đứng tuổi, vợ anh cũng là người khiếm thị, sống trong căn nhà lá nhỏ bằng nghề đan chổi, dễ. Nhưng trong nhà anh bao giờ cũng có một cây kèn saxophone cũ kĩ, không biết của người nào, tặng anh từ lâu rồi.
          Đến nhà anh, trong lúc vợ anh đi vắng, nhưng sự tiếp đãi của anh, làm chúng tôi không muốn rời. Chuyện về chổi, dễ, anh cứ bộc bạch về giá cả, nguyên liệu và bán mua, nhưng khi hỏi chuyện về cây kèn saxophone thì anh bật dậy, như bắt được của quí. Có thể cây kèn trong anh đã ngủ lâu rồi, chưa lúc nào được thức dậy. Khi chúng tôi hỏi, anh lục tục đi vào, cầm cây kèn, trầm ngâm một hồi, sờ nắn từ đầu đến cuối, rồi từ từ đưa lên miệng…
Tiếng kèn saxophone jazz bắt đẩu phát ra bằng một nốt trầm dài, làm chúng tôi não nề, rồi đột nhiên vọt lên cao tít, như đang gõ vào nồng ngực…trong căn nhà lá thưa thớt với những cây trái đơn sơ. Saxophone jazz từ từ đưa đẩy, bò vào các đống chổi, dễ cao ngút, như có hồn rồi lại the thắt cùng những cung bậc mà có lẽ đến giờ tôi mới cảm thấu, ở tiếng kèn xa xỉ này, mặc dù đã đôi lần mơ về nó.
          Saxophone jazz dội lên như ai oán, làm tôi nghĩ về con đường đến nhà anh vừa heo hút vừa thênh thang. Tôi ngáo ngơ như ở chốn không người, thế giới này, đang chạy chậm lại cùng với nghĩ suy…
Con đường từ Kiên Lương tới nhà anh qua rất nhiều ổ gà, khúc khuỷu, giờ ngồi đây, tự dưng lại thấy mình rong ruổi. Cây kèn và người nghệ sĩ có thể là hai thứ khác nhau trong đời, mà đôi khi bị chìm lấp bởi nhiều cái phù phiếm khác. Số phận, có thể không định đoạn được con đường, nhưng đam mê lại làm ta không nỡ vứt bỏ. Gần hết đời người, những chổi, dễ đã nuôi anh bằng thể xác, nhưng cây kèn saxophone lại nuôi anh bằng tâm hồn. Mọi thứ đều tách biệt, sẵn sàng đổi chỗ cho nhau, nhưng không được phép chen lấn nhau và đè lên nhau, sự trùng khớp có thể là cái chết, hành trình như một gánh nợ trên vai.
           Tạm biệt anh, chúng tôi trở về tàu, ở trị trấn Ba Hòn. Biển miền Nam vẫn lặng im, không ồn ào như biển miền Bắc, giữa phao số không, lòng vẫn tĩnh lặng, nhưng không phải vì thế, tiếng kèn saxophone jazz miền Nam lại im ắng và tẻ nhạt.
            Ngả lưng vào thành giường, nhìn ra khơi, tôi thấy lòng đang chảy, mùi café khởi lại vị đắng, biết lòng mình thanh bạch. Chẳng dám nghĩ về điều gì, khi quá khứ cùng trôi…


TUẤN ANH

Thứ Ba, 28 tháng 5, 2013

NGỒI VỚI TRỊNH


 Chạy xe hết một ngày trời lòng vòng  thị xã Hà Tiên, tôi dừng lại
quán café ở Mũi Nai, ven bờ biển. Chọn một góc khuất nhất, bên cây mù u đã có tuổi thả thơi ngắm mặt biển yên bình, với chiều đầy gió. Trong tít xa kia, ca sĩ Khánh Ly đang hát bài hát của Trịnh.
Bụng hơi mềm, vì đi nhiều, giọng ca của Khánh Ly lại rời rạc làm mình thêm buồn. Trịnh đi rồi, đã hơn 10 năm, chúng ta không nhìn thấy Trịnh, nhưng giờ ngồi đây lòng lại sôi lên những ca từ của Trịnh. Trịnh không khóc, mình không khóc. Có thể Trịnh không biết mình buồn, vẫn mang nguyên vẹn những ca từ cũ lặp lại, ở không gian đầy gió này.
Ngoài kia, vẫn dìu dặt vài chiếc ghe nhỏ đang vận chuyển tôm cá lên bờ. Một vài người khách phía bên đối diện, không biết họ nghĩ gì vẫn thấy những ly café đứng nguyên một chỗ, khi những ca từ vẫn đều đều, da diết. Sự đối thoại của ca từ với lòng mình hay lòng mình đang đối thoại với ca từ…?
Trịnh đi rồi, sẽ chẳng bao giờ Trịnh quay trở lại với chúng ta nữa. Sự khúc khuỷu đời người, sự khúc khuỷu của những nỗi lòng, làm ta không thấy lối thoát. Cuộc đời, khởi đầu là con số không và kết thúc cũng là con số không. Không ai mong mình là cát bụi nhưng thực ra mình chính là cát bụi…vì sự nợ lần ở đời mà phải lán lại trong cõi tạm nhân gian.
Ngoài kia, biển đã về chiều.
Một ngày lũn cũn như con chó đen rồi lủi vào bóng tối, định lượng về thời gian vẫn được đủ đầy trong chiếc đồng hồ sinh học mà con người áp đặt. Một ngày dễ dàng trôi qua thờ ơ, chẳng màng gì đến nhiều việc còn trôi chảy. Thời gian, không phải là những luống cày ải mà người ta rểnh rang gieo hạt, thời gian là những con số đếm xếp gần nhau, chờ đến ngày mục ruỗng.
Nhấp lên miệng ngụm café nguội mà lòng thấy xót. Biển Mũi Nai vẫn nhẹ nhàng, con người Mũi Nai vẫn nhẹ nhàng. Mười năm nữa, có thể sóng Mũi Nai sẽ ồ ạt, con người Mũi Nai sẽ xô bồ hơn, cuộc đời vẫn tròn trĩnh, nhưng không lặng. Trịnh Công Sơn có thể vẫn còn, bên ấm trà trong lúc đêm khuya.

TUẤN ANH

Thứ Ba, 7 tháng 5, 2013

CẦU VỒNG PHÚ QUỐC


 Khi tôi đặt chân lên đất Phú Quốc là 15h 45 phút, trên con tàu cao tốc từ Hà Tiên và cũng lúc đó, một cầu vồng to xuất hiện rực rỡ ngay trước mặt. Bẩy sắc lung linh, bẩy sắc của sự pha trộn, làm cho ta vẻ đẹp tuyệt vời của thiên tạo mà ai cũng ngoái nhìn. Chả trách, cầu vồng có từ lâu và sẽ còn lâu nữa, làm con người thèm khát, một vẻ đẹp hoang sơ, kì thú…
Cũng như hôm nay, anh xe ôm cho xe chạy chậm, sát lề đường và dừng lại để tôi được ngắm cầu vồng rực rỡ. Vẫn biết rằng, còn 16 km nữa mới có thể tới được trung tâm thị trấn, trong khi trời đã về chiều, nhưng phút giây quí giá, không phải lúc nào cũng có được, mà ở ngay vùng biển mênh mông này.
Cầu vồng, tôi cũng từng nhìn nhiều lần, từ ngày xưa, thời còn chăn trâu, cắt cỏ, những miền quê vừa thanh bình vừa yên ắng. Mỗi khi có cầu vồng, chúng tôi reo hò, rồi thi nhau đếm, đếm đến khi nào, cầu vòng tắt thì thôi. Trên mình trâu, có nhiều đứa gian lận, khi tôi đang đếm thì chúng nó gọi, mình thưa lên, thế là mất tập trung và lại đếm từ đầu. Mặc dù, tôi đã đếm nhiều lần, nhưng chẳng lần nào đếm được từ đầu cho tới cuối.
Lớn lên, mải công ăn việc làm, tôi cũng đi nhiều, nhưng hình như lại chẳng nhìn thấy cái cầu vồng nào. Có lẽ, cầu vồng xuất hiện thì tôi lại ở một nơi khác, hoặc khi tôi chăm chú thì cầu vồng không xuất hiện. Sự duyên nợ này, có phải là may rủi mà ở những người trưởng thành, không mấy khi nhìn thấy. Họ lam lũ, mải mê vì những đồng tiền, những chợ xe và những con đường heo hút. Đầu óc họ lởn vởn những guồng quay nào đó về sự mưu sinh hay nhũng so sánh được mất ở cuộc đời. Cầu vồng, họ có thể chẳng chú ý tới, mặc dù, nó vẫn như ngày xưa với 7 màu : xanh, đỏ, vang, lục, lam chàm, tím…
Bây giờ, tôi lại được nhìn thấy cầu vồng, một cầu vồng đẹp, ngay dưới biển, ở nơi cuối cùng của Tổ Quốc. Có thể, tôi đã có điều kiện chú ý hơn tới thời gian, không gian mà con người bị chi phối, những hiện tượng kì thú đâu đó lại quay về, nếu mình biết nuôi dưỡng, đặt hi vọng và cất công đi tìm nó.
Ai đó nói với tôi rằng sau cơn mưa trời lại sáng, thì nhất định như thế rồi, chứ còn gì nữa, sau cơn mưa thì trời chả sáng hay sao? Chiếc cầu vồng này bắc từ ngoài khơi, một điềm lành của thời gian cho con người được hưởng, nhưng, cũng sau cái điềm lành ấy, biết đâu, lại có sự tối tăm mà nó chưa phát sáng? Qui luật của tự nhiên, cũng như qui luật của con người, nó có thể phát lộ bằng cách này hay cách khác, nhưng sự thay đổi ấy có làm tan chảy những suy tư ngày đêm mài mòn, khi con người vẫn lớn lên với khát vọng. Ta ao ước đi trên nỗi niềm, ta ao ước đi trên cầu vồng bẩy sắc lóng lánh, niềm vui chúng ta đang trải dài trong sự ngây thơ huyễn hoặc…
Cầu vồng sẽ về nhiều hơn hay không về? Trời sẽ mưa sau cầu vồng này hay sẽ sáng sau chiếc cầu vồng này? Hi vọng có thể vẫn còn nhiều, nhưng tôi vẫn mong trời sáng, đành rằng, cũng có lần sau cầu vồng đã mưa…

TUẤN ANH

Thứ Hai, 15 tháng 4, 2013

ĐÊM Ở BA HÒN




         
  Sau quyết định của tổng công ty, con tàu Long Châu mình lại được lại làm việc ở cảng Holcim, thị trấn Ba Hòn này.
           Đêm Ba Hòn lặng lẽ và cô độc, một thị trấn nhỏ xíu, hình như đã bị bỏ quên của huyện Kiên Lương tỉnh Kiên Giang. Gần bờ, vài ngọn đèn leo lét cũng chành chẹo lập lòe. Ngoài khơi, mấy con tàu thu lu, im lìm như đang cố ngủ quên dưới những sợi dây neo bồng bềnh.
            Sóng biển Ba Hòn cũng im ắng, lan man như tâm hồn vậy, chỉ có gió lùa, hun hút chạy suốt ngày đêm như vỡ tổ.
             Sau một chu trình làm việc, những người thủy thủ lại trở về với con người thật của mình, với đầy đủ cõi u mê và ước vọng, mặc dù trong giờ làm việc họ vẫn là người chăm chỉ, tuân thủ đầy đủ theo qui định của nghề nghiệp.
             Họ lại hát, lại chơi bài và lang thang ngắm biển của định mệnh.
Trên tàu mình, có anh chàng thủy thủ người Thanh Hóa mới cưới vợ, từ hôm vào tới nay, hôm nao cũng gọi điện về. Lúc đầu gọi ít, sau đó gọi nhiều và  có lần gọi 2, 3 tiếng. Hỏi ra, mới biết, vợ đang mang bầu, do bị cảm uống thuốc kháng sinh, nên đã không giữ được cái thai trong bụng. Chồng ở xa, không về được, chỉ biết ngày đêm gọi điện chia sẻ.
            Anh ta không về được, không có lí do gì để nghỉ, chỉ biết trông ngóng cho thời gian chạy nhanh, nhanh hơn những gì anh ta tưởng.
Nhưng đêm ở Ba Hòn vẫn im ắng, chẳng đếm xỉa gì đến trạng thái của từng cá nhân mà ru ngủ, vẫn tròn trịa 24 tiếng đồng hồ ma lực. Nếu đâu đó có núi nở, có sóng thần, có lẽ anh ta cũng nguôi đi một chút, đằng này cứ bó tròn thui thủi trong từng tiếng đông hồ…
           
Nhớ hay quên mà sao người ta cứ phải dằn vặt. Trong tâm thức của người Việt, nhớ và quên là một cặp phạm trù mà đôi khi chồng chéo lên nhau, người ta nói nhớ nhưng thực lại là quên…
            Sau những giờ làm việc, họ lại trở về với con người của mình, một con người theo đúng nghiã bản chất mà họ sinh ra. Nếu coi đó là ảo, thì coi đâu là thật? Chẳng phải trong mỗi con người, cái ảo, đều nằm trong cái thật đó sao…?
            Đêm ở Ba Hòn vẫn chạy rì rì và nhạt nhẽo.
                                           
TUẤN ANH

Thứ Ba, 26 tháng 3, 2013

BÁT CANH QUÊ


         Hồi còn bé, mình rất thích canh rau ngót, một thứ canh mà ở nhà quê, ngày xưa thường phi hành mỡ, sao lên, rồi đổ nước vào nấu cho tới nhừ…Canh rau ngót vừa ngọt vừa đằm, dễ nấu, thuận tiện với vùng nông thôn, vì nhà nào cũng trồng.
          Đến bữa ăn, nhà nào không có canh, chỉ việc ra vườn, hái nắm lá, ấy là có bát canh ngon rồi.
Thời học sinh, mẹ mình hay sai sang nhà hàng xóm, mua một mớ rau ngót về nấu, khi cơ nhỡ, nhưng rồi cũng thành quen.
          Lớn lên một chút, mình biết đi bắt cá ngoài đồng. Mỗi chủ nhật, bố mình đi công tác về, dậy mình nấu món canh cá rô, một thứ canh phải kéo dài thêm nhiều công đoạn, thì bát canh mới hoàn thành. Cá rô được luộc chín, gỡ thịt, còn xương giã nhỏ và lọc lấy nước cùng với rau cải rửa sạch.

           Một bát canh, lại có vị cá, có vị đằm của xương, có vị ngọt của rau, thơm phức.
           Bát canh cải vườn có khoáng chất vitamin, có đạm, lại dễ ăn, nhưng không thể làm cẩu thả, vì có thể sẽ bị hóc, khi mình vội vàng…

           Trong xu thế hội nhập, quá trình toàn cầu hóa, thời gian nhiều khi còn quí hơn vàng, những bát canh được nấu trong thời kì này đều tiết kiệm về mặt thời gian, và đều triệt để dùng qua các công nghệ của thực phẩm chế biến sẵn như bột clo, bột nêm…bát canh thời kì này cũng có ngọt, có đằm, nhưng vẫn bảo đảm được thời gian làm việc, cho những người biết nhìn xa trông rộng…
            Bát canh rau ngót, bát canh cải cá rô, hay bát canh bằng bột nêm, cũng là một thứ canh có đủ khứu giác, vị giác, đánh lừa con người, kích thích sự ăn uống trong mỗi chiều hè nóng nực.
             Bát canh, tuy không ngon lắm, nhưng dễ ăn hơn với tất cả mọi người, nhất là trẻ nhỏ và người già. Những thức ăn khô, bổ dưỡng, nhưng chưa chắc đã nuốt được, so với bát canh tầm thường.

             Qúa nửa đời người, đã đi nam về bắc, cũng được thưởng thức bát canh chua, bát canh ngọt, trong những bữa ăn đạm bạc,  hay cầu kì…những mùi vị của miền quê, những hương vị của từng nơi, làm cho ta nhiều xúc cảm trong các bữa ăn.
            Đôi lúc, muốn chạy đi đâu đó, ra các khu bãi vắng, hái vài cọng rau sam, rau dền, rau tầm bóp, một thứ canh… tập tàng, nấu lên, có vị đăng đắng, nhưng lại có mùi riêng, không lẫn vào đâu được. Một thứ canh chẳng mất tiền, rất mát, nhưng đôi khi ta thấy lòng… thanh thản.
            Những bát canh không kéo dài cả đời người, nhưng đem cho ta những xúc cảm, chẳng bao giờ quên được, những bát canh của miền quê ấm áp, khi mình biết dõi mắt về…

TUẤN ANH

Thứ Sáu, 1 tháng 2, 2013

MỖI NGÀY HAY MỘT NGÀY



Mỗi ngày, dậy từ 6 giờ sáng đánh răng rửa mặt, lập cập bật máy tính xem một lượt, thử đêm qua có còn ai mải làm đã gửi những dòng tin muộn mằn.
Chạy ra ngõ ngắm đóa hoa trà đêm qua vừa mới lách nụ có bị sai suyển. Cầm bô nước tưới lên nương cúc đang đóng nụ từ tuần trước.  Năm nay rét, tết 2013 chỉ còn hơn tháng mà cây cối vẫn xơ xác, hoang tàn.  Người gieo trồng vất vả, thời tiết cũng vất vả, chẳng hiểu những đồng tiền của những ngày cuối năm sẽ ra sao  khi mỗi sáng tỉnh dậy lại thấy mình thêm buồn.
Gặp ông bạn hàng xóm dậy từ 6 giờ 20 bằng mấy tiếng ho khục khoặc, biết ông đang ở bồn nước.  Vậy là còn 30 phút nữa , đủ thời gian cho một ấm trà nóng  buổi sáng, trong tiết giá đông này.  Câu chuyện của ông bạn và câu chuyện của mình trộn vào nhau khúc khởi, tạo một thứ dư vị mới cho mỗi sáng.
Tiếng con khuyển dóng dả, biết bà Lan đã lục tục dọn hàng. Quầy bánh đa có them món gì mới hay vẫn những món xì xụp…?

Mỗi ngày, lại như mọi ngày vẫn lặp đi lặp lại những âm điệu cũ, những âm thanh cũ và những gương mặt… cũ.  Mỗi ngày vẫn những con người cũ , giọng nói cũ và tính cách cũ… Mỗi ngày sự dịch chuyển của thời gian, dịch chuyển của con người hình như chỉ là sự kéo dài của vô thức. Thử hỏi, thế giới có gì sáng tạo không, khi, mỗi ý thức lập trình vẫn chẳng thay đổi.
Đi hết một con đường, mỗi ngày ta lại quay trở về vị trí xuất phát.  Xuất phát và khởi hành cũng chỉ là tên gọi mà con người chúng ta đã tạo ra nó, đặt tên cho nó, còn cái lõi của khởi hành và xuất phát thì hình như vẫn cố định, từ thời …tiền sử.
Khoác chiếc bành tô, lấy xe chạy ra quán café Vườn Xuân ở trung tâm,  hí hửng có thời gian thư thả ngắm lại những  xao động thành phố mỗi ngày. Áp chiếc xe bên đường, tắt máy, đưa vào gốc cây xà cừ cũ. Mùi café thơm lừng, sóng sánh sẽ hòa quyện trong không gian trùng điệp của phố xá lại được một ngày bảng lảng…?
Rút chìa khóa, bỏ túi, chợt ngẩng lên, không thấy biển hiệu cũ…
Café Vườn Xuân đã chuyển đi, không còn ở đây nữa. Phố xá đây, con người đây nhưng café Vườn Xuân…đã mất.
Bất giác, bàn tay trống trải, đôi mắt nheo nheo nhìn về cuối đường…
Một ngày hình như không phải là …mỗi ngày.?

TUẤN ANH

Thứ Bảy, 5 tháng 1, 2013

KHI NIỀM TIN CHẢY





         Con người rất mạnh mẽ, nhưng thực ra yếu đuối vô cùng. Để phản đối một điều luật hay quan điểm với các nhà cầm quyền, người ta có thể tự thiêu để nói bằng...ngọn lửa. Nhưng cuộc sống thường ngày, họ rất nỉ non, ngây thơ...như chẳng hề có phép tắc.
         Họ thao thao bất tuyệt, với người yêu hàng ngày về những thứ chẳng bao giờ có ở trên đời, và cô người yêu, thì lịm đi như lạc vào mê cung... chẳng thấy lối đi, vẫn ngống lên chờ đợi...
         Họ có thể bảng lảng nghe một bản nhạc Mozat, nhưng cũng có thể quặn lên, khi ai đó chạm vào một vài nốt của chiếc đàn bầu trong đêm, the thắt...
         Họ không đứng vững nữa, vì trái tim đau, niềm yêu thương cuộn chảy. Vì khao khát, họ có thể nằm xuống mà nức nở, tìm một nơi để gục đầu vào, dẫu rằng, đó có thể là hòn đá. Họ đã trót chôn vào... một niềm tin, và cũng bởi nó mà họ tồn tại.
         Niềm tin đó trong chúng ta, ai cũng có và đều... ào ạt chảy, cho dù, cách sống và cách tính toán của mỗi người đều khác nhau, cũng như mức độ và sự thể hiện của mỗi người riêng biệt. Yêu thương chính là để tồn tại, và sự yêu thương làm con người hứng khởi, bền chặt.
         Niềm tin cũng như dòng chảy phức hợp, có thời lượng, biến hóa theo thời gian mà mài mòn, không phải là vô hạn mà người ta có thể phung phí.
         Họ khóc đấy, sau nhiều đêm mất ngủ... nếu ngày mai, chợt tỉnh dậy, thấy xung quanh toàn người lạ, và đột nhiên, họ lạc lõng... và không còn thấy thương yêu ai nữa...?
         Có lẽ yêu thương ấy chỉ còn ở trong...các tượng đài!...

TUẤN ANH