Thứ Hai, 29 tháng 7, 2013

VIẾT CHO THÁNG NĂM

Sau một hồi mệt nhoài, ngồi trên boong tàu ngắm ra ngoài khơi. Phía xa xa là đảo Phú Quốc vẫn còn mờ mờ ảo ảo, vài con tàu lượn lờ như níu kéo buổi chiều còn sót lại. Tựa thành tàu, nhìn đám mây đen phơ phất, tháng tư đã gần hết mà mấy con nhạn vẫn ở lì không chịu bay đi.
Biển Miền Nam yên ả đến lạnh lòng, Hải Phòng đang chuẩn bị bước vào tháng năm. Mùa hoa phượng ở đâu, những đàn ve ở đâu, có sôi lên trong lòng mình một tí, để có thể nhớ lại ngày lãng đãng bên bờ sông Lấp nhâm nhi tách café.  Nhón lấy điện thoại, bật bài hát về thành phố Hoa Phượng, nhìn con tàu cũ càng sơn màu đỏ, chợt muốn rưng rưng. Tháng năm lác đác từng chùm đỏ cùng với ánh mắt hào khí. Tháng năm, nhớ về em, như nhớ về khuôn mặt cùng với nụ cười ngày ấy. Giá mà tóc em không rũ vào vai anh, thì có lẽ anh cũng chẳng ngồi đây với tháng tư, những chùm kí ức đong đầy trong vòng quay sàng sẩy, nhớ về em, như nhớ về một ngã rẽ trong đời.
Tháng năm, con tàu Long Châu mình còn miệt mài làm việc ở cảng Holcim, Kiên Giang. Sóng biển chồm lên thành tàu lua khua, những cơn gió u u của trời tháng tư ấn ức. Làm sao, có thể nhìn thấy được hoa phương đang nở, làm sao, có thể biết lòng mình đang đung đưa? Chạy đi pha ấm trà, ngồi với tháng tư còn sót lại, một khoảng nho nhỏ. Chiều ở biển lặng lẽ, không ồn ào, khi tàu buông neo. Nhìn xuống mặt nước vẫn những con sóng ầm ì không ngơi nghỉ, một sự tuần hoàn lớp lớp mà cũng chẳng biết về đâu. Ngồi một mình bên tách trà mà thấy lạnh. Tầm này ở quê, những tiếng trống hò reo ồn ĩ, những đứa trẻ háo hức với các mặt nạ, tìm chỗ quen…thách thức, nhưng đôi khi vẫn rộ lên thi thoảng, sau những chiều lặng lẽ. Tìm tháng năm, như tìm về chỗ…lạ.
Hợp đồng với nhà máy Holcim giờ là giai đoạn cuối. Kết thúc và bắt đầu không phải lúc nào cũng nằm trong dự định và sự toan tính. Chúng ta ngồi đây có thể vẫn còn nhiều và còn dài mà phải đi qua nó. Sự gần và xa không phải nằm gọn trong bàn tay, ai cũng có lúc gần và cũng có lúc xa biền biệt, sự nhớ nhung có thể sẽ còn dài mãi…nhưng người ta biết tìm về, tìm trong kí ức để thấy mình vẫn tồn tại, vẫn thấy một mạch máu đang chảy
Thôi thì,
Muốn bắc một cây cầu sang bên kia còn hoang vắng
Muốn bắc một cây cầu sang bên kia, khi con đường trong mình
                                                                         vẫn còn chưa tỏ
Vụng về những ngón tay thô dựng lên ô của
Lúc lắc những lục lạc vàng
Mông lung…
Tháng năm, chạy về phòng, khóa trái cửa lại, mong cho trời lại sáng…


TUẤN ANH

Thứ Sáu, 5 tháng 7, 2013

KÈN SAXOPHONE VÀ NGƯỜI NGHỆ SĨ

       
 Được anh bạn ở huyện Kiên Lương giới thiệu, chúng tôi rời tàu mò mẫm và tới người nghệ sĩ mù thổi kèn saxophone jazz. Anh đã đứng tuổi, vợ anh cũng là người khiếm thị, sống trong căn nhà lá nhỏ bằng nghề đan chổi, dễ. Nhưng trong nhà anh bao giờ cũng có một cây kèn saxophone cũ kĩ, không biết của người nào, tặng anh từ lâu rồi.
          Đến nhà anh, trong lúc vợ anh đi vắng, nhưng sự tiếp đãi của anh, làm chúng tôi không muốn rời. Chuyện về chổi, dễ, anh cứ bộc bạch về giá cả, nguyên liệu và bán mua, nhưng khi hỏi chuyện về cây kèn saxophone thì anh bật dậy, như bắt được của quí. Có thể cây kèn trong anh đã ngủ lâu rồi, chưa lúc nào được thức dậy. Khi chúng tôi hỏi, anh lục tục đi vào, cầm cây kèn, trầm ngâm một hồi, sờ nắn từ đầu đến cuối, rồi từ từ đưa lên miệng…
Tiếng kèn saxophone jazz bắt đẩu phát ra bằng một nốt trầm dài, làm chúng tôi não nề, rồi đột nhiên vọt lên cao tít, như đang gõ vào nồng ngực…trong căn nhà lá thưa thớt với những cây trái đơn sơ. Saxophone jazz từ từ đưa đẩy, bò vào các đống chổi, dễ cao ngút, như có hồn rồi lại the thắt cùng những cung bậc mà có lẽ đến giờ tôi mới cảm thấu, ở tiếng kèn xa xỉ này, mặc dù đã đôi lần mơ về nó.
          Saxophone jazz dội lên như ai oán, làm tôi nghĩ về con đường đến nhà anh vừa heo hút vừa thênh thang. Tôi ngáo ngơ như ở chốn không người, thế giới này, đang chạy chậm lại cùng với nghĩ suy…
Con đường từ Kiên Lương tới nhà anh qua rất nhiều ổ gà, khúc khuỷu, giờ ngồi đây, tự dưng lại thấy mình rong ruổi. Cây kèn và người nghệ sĩ có thể là hai thứ khác nhau trong đời, mà đôi khi bị chìm lấp bởi nhiều cái phù phiếm khác. Số phận, có thể không định đoạn được con đường, nhưng đam mê lại làm ta không nỡ vứt bỏ. Gần hết đời người, những chổi, dễ đã nuôi anh bằng thể xác, nhưng cây kèn saxophone lại nuôi anh bằng tâm hồn. Mọi thứ đều tách biệt, sẵn sàng đổi chỗ cho nhau, nhưng không được phép chen lấn nhau và đè lên nhau, sự trùng khớp có thể là cái chết, hành trình như một gánh nợ trên vai.
           Tạm biệt anh, chúng tôi trở về tàu, ở trị trấn Ba Hòn. Biển miền Nam vẫn lặng im, không ồn ào như biển miền Bắc, giữa phao số không, lòng vẫn tĩnh lặng, nhưng không phải vì thế, tiếng kèn saxophone jazz miền Nam lại im ắng và tẻ nhạt.
            Ngả lưng vào thành giường, nhìn ra khơi, tôi thấy lòng đang chảy, mùi café khởi lại vị đắng, biết lòng mình thanh bạch. Chẳng dám nghĩ về điều gì, khi quá khứ cùng trôi…


TUẤN ANH