Thứ Năm, 23 tháng 2, 2012

CHIẾC BÀN

Đặt bình nước lên bàn
Đợi em đến đây ngồi với anh, uống một li nhỏ
Cất chiếc đĩa đựng socoolate vì đã hết tiền
Lau chiếc gạt tàn lấy sáng
Định tâm bàn làm điểm
Quay...


Ở 90 độ, em chả quan tâm tới việc này
Ở 95 độ, em phù phiếm
Ở 120 độ, cốt lõi không phải việc này
 Em đến đây để gặp anh
Cũng chỉ như khách qua đường

TUẤN ANH

Thứ Ba, 7 tháng 2, 2012

HOÀI KHÁNH -NGƯỜI DẮT BIỂN LÊN TRỜI

                                Đường đá xếp tận nơi
                                Những con chữ khó nhọc
                                Dắt biển lên với trời
                                              ( Đường ở đảo)
             Tôi đọc bài thơ này đôi lần, nhưng rồi vẫn muốn đọc lại để thấy được những khung cảnh khó nhọc của trẻ em ở đảo đi học. Đành rằng, các em đi học, ở làng chài phải đi theo "thuyền", khác với trẻ em đất liền.  Đường ở đảo mà trẻ em đi...  "nằm trong khoang thuyền", phải ngồi trên sóng chơi vơi, những con chữ khó nhọc cũng theo nhịp sóng, nhịp sóng, nhịp đời...
               "Dắt biển lên với trời" có thể thấy được cái tung tăng của trẻ nhỏ, có nhiều ngộ nghĩnh đầy ngẫu hứng, nhưng lại cho ta cảm giác bền bỉ, về một quá trình dám chấp nhận, để vượt lên chính mình.

              Dắt biển lên trời là tập thơ thứ tư của nhà thơ Hoài Khánh do Nhà xuất bản Kim Đồng ấn hành năm 2012, cũng là tập thơ thứ tư về thơ thiếu nhi của anh.
              Sự duyên nợ với thơ, quả đã là gian khó, nhưng với thiếu nhi thì đúng là một thách thức. Trong phong trào đổi mới thi pháp theo xu hướng thơ Việt hiện nay, làm nhiều người quay lưng lại với thơ thiếu nhi, một số chuyên tâm cũng nửa đường đứt gánh. Đổi mới thi pháp, vẫn là một câu hỏi chưa có lời giải mà thơ thiếu nhi cũng nằm trong trào lưu ấy. Chúng ta có thể cách tân bài thơ cho người lớn thật dễ dàng nhưng với thiếu nhi, liệu có được chấp nhận?
              Làm thơ thiếu nhi, ngoài niềm đam mê, còn phải biết trung thành, với những đấng  "tối cao" là các em, và các em mới là vị giám khảo quan trọng nhất. Viết cho các em mà các em không nhận thì viết cho ai? Có lẽ, cái tiến (về mặt thi pháp) nên được cân nhắc lại. Chúng ta chỉ là một trong số đông, lẽo đẽo theo thi ca, mà Hoài Khánh là một ví dụ, trong ít ỏi những người còn bám trụ với mảng thơ của mình

              Tập thơ mỏng với 20 bài cho ba đối tượng từ mẫu giáo, nhi đồng và thiếu niên và cũng là những bài anh viết trong những năm gần đây về đề tài này. Điểm mạnh của thơ Hoài Khánh là anh có nhiều quan sát rất tinh tế mà lai dí dỏm:
                              Sáng ra biển hóa trẻ con
                              Sóng lắc ông trời thức dậy
                                               (Xuân trên đảo Bạch long vĩ)
              Thì ra nhà thơ đang hòa mình vào trẻ con để nhìn, khi đang thung thăng trên đoàn tàu với những "chuỗi còi thân thương" đang thả...
              Hay như:
                                Nhộn hơn trẻ nhỏ
                                Sấm không râu tóc
                                Tuổi bằng lũ nhóc
                                Vẫn được làm ông
                                                 (Sấm)
             Cái bí mật, nhưng rồi cũng không bí mật mà là "giấu sau nụ cười/là cái răng sún" (Bí mật), làm ta bỗng cười vang lên,  như mới tìm được của quí mà thực ra cũng đáng yêu nhường nào. Có một số câu thơ hay của Hoài Khánh, nếu đọc qua có thể ta không gặp, bởi những trải nghiệm cuộc đời mà trong thơ thiếu nhi đã được mã hóa.
                                 Bụng đựng ngàn năm tuổi
                                 Núi vẫn là núi non
                                               (Núi cùng em đi học)
             Cũng là một cái nghiêng đầu của chú bê láu táu với bước chân nhuênh nhoang đang đùa với nắng để rồi "giẫm lên bóng mình". Cái tuổi thơ có thể tròn trịa, nhưng cũng có thể hao gầy, và sự nhí nhảnh để lặp lại mình, chắc rằng ai cũng có.
            Ở bài thơ "Nếu Hải Phòng chỉ toàn người lớn" như một dấu chấm hết cho lứa tuổi trưởng thành, gần cuối tập thơ, nhưng nó cho ta một thông điệp gần như ngược lại. Những qui luật về trẻ- già tưởng như tan biến thì bỗng chốc được nhắc lại như dấu tích của sự luân hồi, buộc ta phải tự hỏi:
                                Nếu Hải Phòng chỉ toàn người lớn thôi
                                Không còn đâu trường Mầm non, Sao sáng
            "Không có ai phá cỗ đêm trung thu", có vẻ như đơn giản như một lời nói, nhưng với người già, như cánh cửa khát vọng đã khóa lại làm người ta liên tưởng tới sự cô đơn cho số phận nhỏ nhoi của đời người. Còn vẽ mặt trăng  có mắt thì chỉ có thiếu nhi mới làm được điều này. sự ngộ nghĩnh ấy làm ước vọng người ta hồi tỉnh, trái tim con người biết yêu và cũng biết lắng nghe...Sự phát triển của xã hội phải có sự hòa trộn của nhiều thế hệ để có sự cân bằng trẻ và già, và già với trẻ cũng là một mắt xích. Trước sự cô đơn người ta hay tự hỏi mà cách hành xử nhiều khi khó hiểu
                             Bác Bảo vệ chẳng có người để mắng
                             Biết tìm ai hái trộm táo ông trồng
            Câu thơ rất giản dị, nhưng lại nhiều suy ngẫm về vấn đề xã hội .
            Sự phát triển hai mặt của một vấn đề, đó không phải là sự bàn cãi mà là sự chấp nhận, vẫn cần phải biết sống chung, đó là thông điệp mà nhà thơ Hoài Khánh muốn gửi lại cho chúng ta về tập thơ này.

TUẤN ANH