Thứ Hai, 16 tháng 7, 2012

KHI CÔ ĐƠN GỌI

          Cô đơn, thực ra, không phải xuất hiện khi sống một mình, mà là từ hai người trở lên. Khi có hai người, thì người ta mới chia sẻ và rung cảm, sự cô đơn ấy mới xuất hiện.
          Càng nhiều người, thì sự cô đơn càng có cơ hội xâm lấn. Trong các hội trường, hay cuộc họp nội bộ gì đó, ta đều dễ dàng nhận ra những bóng dáng của cô đơn. Họ đang len lỏi, ngồi đâu đó, có thể xung quanh mình, mà chính mình... cũng không nhận ra. Nỗi cô đơn đó đang gậm nhấm, lớn dần, trong trái tim họ, gần như đã mục ruỗng...nhưng bề ngoài vẫn gắng gượng, vẫn cười đùa, không ai biết.
          Cô đơn họ chia sẻ với ai? Không phải ai họ cũng chia sẻ, sẵn sàng mở lòng mình...như một gói quà. Nỗi cô đơn, hầu như được gữi kín, bao bọc với nhiều vẻ mặt, và những lời nói khác nhau. Khi cô đơn, người ta muốn ngồi một mình trong mưa hay trong giá lạnh se se, hoặc có những giọt nước lã chã, hay là ngồi nghe một bản nhạc không lời thật nhỏ, phải giỏng tai lên mới thấu rõ từng âm điệu le lắt, xa vời...Hoặc lơ đãng nhìn vào mặt hồ, lơ thơ vài cánh bèo...lạnh băng...
          Cô đơn không phải họ rũ bỏ lòng mình, mà là những khung cảnh kia, sẽ thay họ, len vào tâm trí làm mềm đi một vài nỗi lòng mà không kìm nổi...
         Trong cô đơn, người ta thật thanh thoát và mềm yếu. Ai hợp họ, có thể chỉ cần một cái nắm tay, hay một câu nói tưởng chừng như đơn giản, cũng đủ làm họ nhớ suốt đời...


TUẤN ANH

Chủ Nhật, 1 tháng 7, 2012

NGỔN NGANG VỚI "GIẤC MƠ KHÔNG NƠI CƯ TRÚ"



          Nhà thơ Tuấn Anh, hội viên Hội nhà văn thành phố Hải Phòng gửi tặng tôi hai tập thơ của anh, đó là tập thơ “Ô cửa tháng Giêng”, NXB Hải Phòng ấn hành năm 2005 và tập thơ “Giấc mơ không nơi cư trú” NXB Hội Nhà văn ấn hành năm 2010. Tôi còn được biết anh vừa giành ngôi “á quân” cuộc thi thơ về đề tài Hoa phượng lần đầu tiên do Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật thành phố Hải Phòng tổ chức năm 2012.
          Không ồn ào, Tuấn Anh lẳng lặng chiêm nghiệm theo cách riêng của anh trong thơ. Nếu ở “Ô cửa tháng Giêng” anh chia đôi cuộc đời mình giữa sự lãng mạn, mơ mộng của tuổi mới lớn với sự cả nghĩ của người đang vào độ trung niên. Sự thơi thới hồn thơ qua “Ô cửa…” nhanh chóng thay thế bởi sự ngổn ngang con chữ trong “Giấc mơ không nơi cư trú”. Nó ngổn ngang là vì mỗi bài thơ, mỗi câu thơ khiến người đọc sau mỗi lần đọc lại phải nghĩ theo hướng khác trước, chẳng giống ấn tượng ban đầu. Một thứ thơ không theo bất cứ cấu trúc nào, chẳng dễ đọc và nếu không kiên trì thì người đọc dễ để thơ anh sang một bên, cùng với những nhà thơ viết theo lối “hậu hiện đại”, để đi làm việc khác.
          Nhưng may thay, thơ Tuấn Anh còn có chỗ để neo vào cảm xúc của người đọc truyền thống như tôi. Ấy là tôi nghĩ chủ quan thế. Nhà thơ có nhiều tâm tư với công việc sáng tạo, nhất là với thơ: “Con diều chằng đụp/Buông làm sao vào thăm thẳm/Trong cơn mơ tối om/Biết khi nào sáo sẽ gọi về” (Đợi mơ). Hơn một lần anh mong ước vượt qua những lối viết, nếp nghĩ cũ để vươn tới chân trời vinh quang của thơ: “Đợi khuya/tiếng đồng hồ thũng thẵng gọi/những giấc mơ thật/vinh danh”. Quan niệm thơ của anh rõ ràng: “Lùa bàn tay cánh đồng phục sinh/đặt lại nhân quả/mong thoát xác/nằm ở bên này giấc mơ” (Tự bạch). Như thế là Tuấn Anh đã dấn thân vào sáng tạo, sáng tạo ngôn từ và hình thức trong thơ. Sự sáng tạo ấy có thành công hay không còn đợi thời gian, nhưng anh dám tự tin: “Đừng vin cớ hy vọng mà ngóng đợi/Thì thời gian sẽ xanh hơn” (Mơ về một đêm tháng Mười).
          Nói thơ Tuấn Anh còn neo vào cảm xúc của người đọc là vì có những câu thơ với những hình ảnh rất đẹp và gợi: “Rồi mùa thu cũng sẽ về thôi/Cũng rủ rỉ hương thơm/cũng hoe hoe vàng đầu ngõ/Em lại vẽ con diều chấm đỏ/Thả vào chiều tơ vương” (Những bài thơ ngắn.Bài số 7). Anh viết rất hay về nỗi nhớ thời tuổi thơ: “Chiếc cặp bím ô ăn quan/Liếc ngang/Mòn ngã ba hoa mào gà nở (…) Thời gian mải chơi/Thời gian chờ đợi/Cong cong hơi thở/Bay” (Nhớ). Thuở học trò, tình yêu đầu đời dù đó là cảm tính thôi, chỉ với con mắt “liếc ngang” bím tóc hồn nhiên, thế mà đã đợi đến “mòn ngã ba hoa mào gà nở”. Chữ “mòn” ấy sao mà tinh tế, tạo cho hình ảnh thêm gợi, đẹp và thơ mộng xiết bao.
          Trong “Giấc mơ không nơi cư trú” đầy ắp sự ngổn ngang. Quá khứ, thực tại và những cái sắp đến tất thảy đều ngổn ngang. Tình yêu, nỗi niềm, tâm trạng, giấc mơ, bầu trời, mặt đất, con đường, cánh diều, quán cà phê, rồi cả cái chết… ngổn ngang những liên tưởng. Và mông lung. Khi thì nhà thơ triết lý: “Cần phải lắng nghe, mới hiểu mọi điều/Cần phải làm, mới tìm ra lẽ phải/Muốn làm người/Còn học cách hy sinh.” (Ghét). Khi thì buông xuôi: “Chuyện trên trời dưới bể/cũng chẳng kể làm gì/cứ để lộn xộn như thế lại hay/Tôi, cũng đỡ phải mất công/những lời kể lể và thời gian phân định./Những cái rạch ròi nhiều khi cũng chẳng có nghĩa” (Độc thoại trước gương tình yêu). Cũng có khi anh tạo ra thứ ngổn ngang vô lý, nhưng đọc kỹ lại có lý là bởi vì tâm trạng của kẻ thất tình: “Áo dài em cắt đi một nửa/Xe hai bánh em tháo ra còn một/Trên đường sấu buồn/Em thành người khác” (Bông tầm gai). Thơ Tuấn Anh viết theo chủ trương hiện sinh, tích hợp mọi sự vật, hiện tượng, cả ảo và thực để tạo nên tâm trạng thơ, song anh lại tách thơ khỏi cảm xúc. Điều đó tạo hiệu ứng cho người đọc ngẫm ngợi, nhưng không phải ai cũng giải mã được những điều anh đã mã hóa vào thơ.
          Một điều khá thú vị trong “Giấc mơ không nơi cư trú” là hình ảnh chiều và đêm. Rất nhiều bài thơ, câu thơ chứa những thi ảnh này được Tuấn Anh nhắc tới. Nào là “Thôi cứ kệ, chiều cũng về thơi thả”,Hình như đêm chỉ có một nửa. Còn một nửa lạc đâu phía ban ngày”, rồi “Hình như đáy đêm chẳng có người nào/Họ đang nằm ở tầng tương lai”… Có những bài thơ viết hẳn về  chiều và đêm: “Ghi chép về chiều”, “Gọi chiều”, “Mơ về một đêm tháng Mười”, “Ngôi sao đêm”… Có lẽ, ở khoảng thời gian ấy con người có nhiều tâm trạng và nghĩ suy, và như thế là ngổn ngang lắm.
          Lặng lẽ làm thơ, dấn thân vào sáng tạo, nhà thơ Tuấn Anh có thể thành công với con đường riêng của mình. Nhưng tôi vẫn mong được đọc anh với những câu thơ giàu thi ảnh, không bị “mã hóa”, như “Chạy suốt chiều mảnh sân con/Mặt trời ủ trong vòng tay bí ẩn/Chiều bắt được/Chú ve non gẫy cánh vô hồn” (Cuối hạ); hay như: “Mới hoe vàng thu mở ngỏ/Lạnh lẽo tiếng sáo diều khuya (…) Rụng một trái vàng cuối nắng/Chạng vạng chiều lững thững rơi” (Với thời gian)./.
Hà Nội 1-7-2012


 NGUYỄN ĐÌNH XUÂN