Thứ Sáu, 26 tháng 9, 2014

ĐỌC " LY CÀ PHÊ THÁNG MƯỜI HAI "

Tình cờ tôi đọc Tuấn Anh lần đầu trên FB và tự nhiên có tình cảm văn chương với mấy đoạn tản văn của anh. Gần đây anh tin cậy gửi các trang viết cho tôi góp cảm tưởng. Bản thảo không dày lắm - tất cả gồm 27 đoản tác, bài dài nhất không hơn bốn trang (nay được in thành cuốn sách LY CÀPHÊ THÁNG MƯỜI HAI do Hội Nhà Văn xuất bản). Cảm tưởng chung khi đọc bản thảo là sự thể nghiệm một phong cách viết song song với một đoạn hành trình của tác giả - con người của hôm nay vừa kiếm sống vừa giải khuây sau công việc với dăm lạc thú thường ngày như uống trà, nghe nhạc, ra quán cà phê một mình hay ngồi với bạn…Nếu chỉ là những đoạn bút ký bình dị về các sinh hoạt phần nhiều lặp lại theo thói quen thì người đọc sẽ xếp các trang viết lại như xếp một tờ nhật báo. Nhưng đọng lại từ các giòng chữ mô tả và tự sự ấy là những giờ khắc chiêm nghiệm hay một thoáng trầm tư . Đó là lúc ý thức làm bước nhảy lùi hoặc chao cánh lượn quanh các hiện tượng và diễn biến của đời sống – đó cũng là lúc ngòi bút tập đồng hành với văn chương và tư tưởng.

   Vì nghề nghiệp, TA di chuyển giữa hai không gian khác biệt : đất liền và sông biển. Từ   đoản văn mở đầu Chuyện Đi Tàu đến bài viết cuối Nhìn về Đất liền tác giả tấu đi tấu lại khúc nhạc chủ đề hai bè “ĐẾN VÀ ĐI” mà sân khấu chính là khoảng nội tâm lênh đênh giữa đất và biển.

“Đặt ba lô lên tàu, ngồi ngắm biển chòng chành mà  nao lòng…Biển xanh, nhưng sóng có yên lành, khi những suy nghĩ của chúng ta cứ đầy theo năm tháng?... Đến và  đi chỉ  là  bước dạo đầu chấm phá trong những cuộc mưu sinh” (6-7).

“Càng nghĩ,càng thấy lòng trống rỗng…Đất liền…là những cánh chim, đang lưu giữ những mảng ký ức khổng lồ của cuộc đời, có nguy cơ vuột bay mất...Ngồi trên tàu, chút ưu tư cứ lắc dần trong trà nhỏ mà không uống nổi, một khoảng không vời vợi và lạnh lung.” (100-101).

   Trùng khơi vô định như các kiếp phận bị ném vào tương lai bất trắc đầy những biến động ngoài tầm hiểu biết. Kinh nghiệm này được tác giả tóm lược trong vài câu rải rác : “Kết thúc và bắt đầu không phải lúc nào cũng nằm trong dự định và sự toan tính. (38); hay là “Ta…như con lắc, đu trên những sợi dây chùng chình số phận, chỉ sợ những sợi dây mỏng manh kia một ngày sẽ đứt…(42). Nhưng đất liền cũng không khá hơn nếu chẳng có gì ngoài các thao tác vô vị, nhàm chán từng ngày.  “Cuộc sống cứ lặp lại những chu trình vô thức mà chẳng ai tìm hiểu ý thức (76). “Mỗi ngày vẫn những con người cũ, giọng nói cũ và tính cách cũ. …Thử hỏi, thế giới có gì sáng tạo không, khi mỗi ý thức lập trình vẫn chẳng thay đổi.” (13) Nỗi ám ảnh ấy khiến tác giả vỉết ra những chữ quẩn quanh kinh nghiệm và sự thật bình thường, “Đi hết một con đường, mỗi ngày ta lại quay trở về vị trí xuất phát.”(13)


   Cũng như phần đông thị dân các nước trên đà hội nhập lối sống toàn cầu hóa, người Việt đang bị phân hóa tâm lý mạnh. Với những ai đã sinh sống ngoài quê nhà (tác giả lúc thanh xuân từng sống nhiều năm bên Nga) hai cực quá khứ - hiện tại  còn giằng co với nhau như cánh cung hiện sinh thường trực, ngầm chứa một lực đẩy bất ngờ đe dọa thế cân bằng vốn đã chông chênh.  Qua từng trang viết, tác giả thủ vai nhân vật khá tiêu biểu với những ai còn vương vấn “con đường cũ…, cây gạo…, quán nhỏ ngã ba…, lối mòn dĩ vãng…” (82) đồng thời phải truy tìm ý nghĩa hay hạnh phúc bị giao động và đe dọa vì nhịp độ cuộc đời hôm nay, phải “ tìm một nhánh rẽ để ổn định… giữa những cấu trúc chằng chịt của đô thị mới” (84).
 
   Đặc biệt hơn ở ngòi bút Tuấn Anh - vốn là một thi sĩ đã cho ra đời hai tập thơ - cô đơn với khoảng lặng là nhu cầu thiết yếu của óc tim, là “thời gian cho  độ chín cảm xúc và lý trí” “Khoảng lặng ấy như một hồ nước đục,… cần phải để cho lắng lại…”chờ “lộ ra nhiều khoảng sáng”(15). Hay nói cách khác “ tôi lúc này, đang cần yên tĩnh, không muốn chạm vào thế giới bên ngoài.” (23) để miên man suy tưởng và soi chiếu chân dung kín đáo của mình. Tuy vậy giữa mớ thao thức và khao khát không tên, ký ức của những chặng giang hồ lại hiện về: cành phượng cũ, tuyết nước Nga, một mái tóc, một đôi mắt…như màu sắc cầu vồng lấp lánh.. Cho dù tác giả có tâm sự ở cuối sách một ý nguyện rất đạo cốt :“tập viết về …khoảng không và tập nghĩ về… khoảng không.”(101), cái nghiệp thơ văn - đồng thời cũng là lạc thú – là mối duyên tình khó dứt.

   Bằng chứng là tác giả đã sắp xếp và viết lại bản thảo, chăm chút khuôn nắn những câu chữ chưa hài lòng trước khi cho xuất bản. Mặc dù một tập hợp tản văn hay bút ký chưa phải là một nghệ phẩm thuần nhất mà chỉ là mớ chấm phá cho bức tranh dang dở của một diện mạo văn học còn trong tiến trình thử nghiệm. Nhưng tham quan công trình chữ nghĩa còn ngổn ngang vật liệu này, người đọc quan tâm sẽ nhận ra vài nét chân dung đáng ghi nhớ của ngòi bút mang tên TUẤN ANH. 

                                                                                                          CHÂN  PHƯƠNG
                                                                                                     Hingham Bay, 9-24-2014


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét