Thứ Bảy, 10 tháng 1, 2015

ĐỌC “ LY CÀ PHÊ THÁNG MƯỜI HAI” NGHĨ VỀ NHỮNG CẢM THỨC VÀ SUY NGHIỆM CỦA TUẤN ANH

     
 Sau tập thơ đầu “Ô cửa sổ tháng giêng”công bố năm 2005,  rồi “Giấc mơ không nơi cư trú” năm 2010. Vào đầu mùa thu năm Ngọ này nhà thơ Tuấn Anh vừa trình làng thêm một tác phẩm mới nữa, nhưng lần này là tập tản văn chứ không phải thơ như thường khi.

        Ngoài bìa sách hiện diện một cái tên không vương lối khoa trương, cũng chẳng điệu đàng, trầm bổng với những ngoa ngữ, mỹ từ; hay dùng chiêu hô quát,  hư ẩn bí hiểm, tác giả lựa đặt cho đứa con tinh thần của mình cái danh xưng số đếm  chân mộc, khiêm nhường: “Ly cà phê tháng mười hai”.
         Một cái tên bình thường vậy mà lại mang hấp lực mê dụ, khiến cho người tiếp cận không thể vô tình, sơ tâm bỏ qua. Vâng! Không thể vì hình như đằng sau tấm bìa màu đen chữ trắng, ở trong ruột sách người viết còn ủ cất, ươm gieo, ký thác, gửi nhắn điều gì đang muốn chia sẻ, mong được tâm giao thì phải. 
        Mang tâm thế phập phồng hồi hộp ấy, tôi liền đọc “ Ly cà phê tháng mười hai” một mạch. Tập sách không dày, chỉ vỏn vẹn 101 trang in khổ 13 x 19, dung chứa 27 bài tản văn ngắn. Bài dài nhất khoảng ba trang nếu in tràn chữ ra kín mặt giấy. Bài ngắn, chỉ hơn một trang là cùng. Văn chương vẫn biết đâu có nệ vào dài hay ngắn, mà điều cốt tử là cái hồn vía, cái nhân chất nén chứa bên trong mang chở được những gì.
        Tuy nhiên, với văn chương thì trước mọi cái sự ngắn-đoản, ít chữ hẻo dòng với người viết là một cuộc phải đối mặt chấp nhận thách thức, vì ở đó nó dễ lộ diện cái  tầm, cái trình sáng tạo và trữ lượng cảm xúc của chủ thể tác phẩm.
         Vậy mà nhà thơ Tuấn Anh “ rất bạo” dám thử sức đối mặt với cái “ khó” ấy, thậm chí chấp nhận rủi ro, chỉ một điều này thôi cũng đáng biểu dương dũng khí của anh rồi.
       Tôi được biết Tuấn Anh làm thơ từ tuổi mục đồng, và quen anh đến nay cũng gần tròn năm mùa lá rụng mà anh vẫn say mê chung thủy với Nàng Thơ. Thơ của Tuấn Anh ai đã từng đọc đều thấy cái tự đòi hỏi rất khắt khe đến mức cực đoan của tác giả này. Từng câu thơ, con chữ anh viết luôn với tâm thế “ quyết tử vì đạo” vắt cho kì cùng kiệt cảm xúc của mình. Mỗi tác phẩm thơ ở đấy không có sự nửa vời, đèm đẹp làm duyên mà nó đều hiện dấu của sự khổ công tìm tòi sao cho mang lại hiệu năng, dư chấn nhất. Anh luôn có cách liên tưởng, xây dựng hình tượng thơ mới lạ, không giống ai nhằm chuyển tải tín hiệu- điệu tâm hồn của mình gửi đến độc giả. Mong ước giãi bày của Tuấn Anh có làm ưng lòng người yêu thơ hay không điều đó có lẽ còn tùy thuộc vào gu tạng mỗi người, và thời gian sẽ kiểm chứng điều đó.
       Là một người đọc, với cảm nhận hạn hẹp của mình, tôi trân trọng cái mơ ước nghiêm túc của Tuấn Anh. Và hơn hết quý anh về cái nết không mượn thơ để lập ngôn, mà anh làm thơ chỉ để tìm tới điều thiện nguyện, được chia sẻ và dâng hiến tấm  tình của mình cho nghệ thuật và cho cuộc đời .
        Trước lúc viết những dòng này về tập tản văn của Tuấn Anh tôi muốn diệu vợi đôi lời về thơ anh, bởi sau khi đọc  “ Ly cà phê tháng mười hai” gập sách lại tôi  nghĩ Tuấn Anh không chỉ có duyên với thơ mà còn rất có tình cả với văn xuôi nữa.
         Đọc hai mươi bảy bài trong tập tản văn “ Ly cà phê tháng mười hai” của Nhà thơ Tuấn Anh, tôi như không chỉ được đọc một áng văn giản dị, chắc, hoạt, giàu tâm trạng mới lạ mà còn được đọc một chuỗi tác phẩm thơ. Thơ văn xuôi. Vâng! Cảm nhận đó có thể là chủ quan của riêng tôi, nhưng từ cách định đề, lập tứ cho đến thủ pháp nghệ thuật đều mang đậm chất thơ. Mỗi tác phẩm riêng lẻ trong “ Ly cà phê tháng mười hai” tác giả viết với một lối độc thoại tưởng là rất tùy hứng, như bâng quơ, nhớ đâu ghi đó. Nhưng từng khúc, đoạn đều bắt nguồn từ nhôi nút của cảm xúc và có chủ đích, ý tưởng cả. Tác giả gửi đến người đọc nỗi niềm trăn trở bấy lâu lặn sâu trong góc khuất ký ức, bây giờ chợt bừng thức để  rồi bật lên thành điều chiêm nghiệm của mình. Trong tản văn “ Dọn dẹp” Tuấn Anh kể lại một chuyến đi anh được phân một căn phòng dĩ nhiên trước đó đã có người ở. Còn bây giờ anh là một chủ nhân mới. Anh phải dọn dẹp, bày biện trang trí, xếp đặt lại theo trật tự ý mình. Rồi tác giả ngộ ra rằng: “ Dọn dẹp căn phòng, đâu có phải là cất đi, mà có khi lại là sự bày ra để mà chiêm ngưỡng”. Tôi đọc và thích những đoạn tự giác ngộ của tác giả, ví như : “ Mọi định giá cuộc sống đều phải đánh đổi và trả giá, chẳng có gì là miễn phí cả. Hay: “ Tiền chỉ là một giá trị trong rất nhiều thứ giá trị mà ta vẫn chưa hiểu, đôi khi, cầm trên tay, mọi thứ na ná như nhau, ta tưởng rằng cùng một cách quy đổi, nhưng độ rung cảm thì thật khác…Thử hỏi, ở đời, viên thuốc nào có chức năng vậy, để mua lấy một ít viên để dành…anh Hiện nhỉ?- Tản văn: “ Anh Hiện à”. Trong tản văn “ Cái chiết áp bé nhỏ” có câu: “ Hình như sự lớn lao ở con người không phải là vật chất mà là cõi lòng đầy hay vơi của những nỗi niềm đã cũ”. Rồi những dòng tiếp theo thật gợi mở: “Âm lượng của chiết áp về số không hoặc dương, chỉ trong tích tắc. Tập hợp của nỗi lòng được mở ra hay đóng lại tùy thuộc vào ngón tay mình có dám đưa đẩy hay không. Hiện tại tìm ở đâu được dễ dàng, những quá khứ không phải lúc nào cũng có”.
      Còn nữa những dòng văn ăm ắp tình đời tình người như trong các tản văn: “ Tháng năm ngắn ngủi;  Một mình; Kèn saxophone và người nghệ sĩ…” là những dòng văn đáng đọc để bâng khuâng hay xao động cõi lòng lữ thứ, lữ khách, ngoảnh lại nhìn bước chân qua hay đau đáu dõi theo con đường dằng dặc trước mặt đang dợm chân bước tới…
       Ngồi im lặng mà ngẫm lại những đoản bút của nhà thơ Tuấn Anh, tôi chỉ nói một điều gía như… Anh kiệm chữ đi chút nữa, bớt được những thừa thãi ở đoạn này, dòng kia đi chút nữa thì có lẽ văn anh còn sáng, đọng, long lanh, lay thức cảm động hơn nhiều. Dù sao đây cũng là một áng văn một tập sách đáng được nâng niu trân trọng./.
        
                                                              Kiến An ngày đầu Đông năm Ngọ

                                                                             Vũ Quốc Văn 

Thứ Ba, 2 tháng 12, 2014

CHÚT ẤM LÒNG VỚI LY CÀ PHÊ THÁNG MƯỜI HAI

Ly cà phê tháng mười hai là tập tản văn đầu tiên nhưng là đầu sách thứ ba và mới nhất của nhà thơ Tuấn Anh, sau hai tập thơ Ô cửa tháng Giêng và Giấc mơ không nơi cư trú. Khi tặng cho tôi tập sách này, nhà thơ Tuấn Anh chia sẻ: “Đây là những gì tôi thấy được, cảm được từ hầu hết các chuyến đi qua những miền đất nước và cả những ký ức của tôi, về tôi trong những tháng ngày qua. Tôi hi vọng được độc giả đón đọc, mến yêu như những trang thơ tôi đã từng viết”.
Gồm 27 tản văn-là tập hợp những suy tư của nhà thơ về tình người, tình đời, Ly cà phê tháng mười hai đem đến cho bạn đọc một cái nhìn đong đầy sự ấm áp, thân thiện-một sự trải lòng trong thẳm sâu những trách nhiệm của tác giả đối với cuộc sống này. Tiếp cận sự việc, sự vật bằng đôi mắt nhìn rất thơ, được viết nên bởi giọng văn nhẹ nhàng, dí dỏm nhưng ăm ắp trở trăn, đồng thời lại được sắp xếp theo một trình tự dụng tâm của người viết, các tản văn như Chuyện đi tàu, Dọn dẹp, Khoảng lặng, Đêm Ba Hòn, Ngồi với Trịnh, Nhớ nước Nga, Tiếng đàn đêm, Quá khứ, Những nhánh rẽ… đã cùng nhau đem đến cho bạn đọc bời bời xúc cảm, nghĩ suy. Đọc tản văn Quá khứ, chắc hẳn độc giả sẽ không thể không dừng lại trước những câu chữ sâu lắng suy tư này: “Quá khứ đâu chỉ nằm sâu trong bức ảnh, mà nằm ở chiều sâu con người của tấm ảnh đó. Những tấm ảnh mới có đẹp, nhưng với tôi thành xa vắng, chứ không phải của mình. Có quá khứ qua đi, tưởng rất đơn giản, như vừa trút được gánh nặng, nhưng có quá khứ qua đi, làm mình không cầm lòng được. Mọi vật trên đời đều có ý nghĩa của nó, nếu nhìn sâu vào từng góc cạnh, đều có một linh hồn…”. Còn trong “Gửi về bên kia sông”, nhà thơ Tuấn Anh đã gửi những lời đượm màu triết lý: “Trời mưa, làm mình buồn đi đôi chút, bởi cuộc gặp sẽ không thành. Nhưng biết ở đâu đó, cũng có người mong mưa và họ đã toại nguyện. Cái mất của người này, là cái được của người khác. Trời mưa có thể mang tới nhiều số phận khác nhau mà mỗi con người phải gánh chịu. Mưa không có lỗi lầm và con người cũng không có lỗi lầm. Lỗi lầm chính là sự mong mỏi, là kỳ vọng mà bất cứ người nào khao khát. Khao khát để yêu thương, khao khát có hạt mưa đúng lúc,làm lòng mình nguôi ngoai, khi quá khứ nỡ vô tình, để mình lại thấy rằng… hữu tình…”.
Đọc nhiều lần Ly cà phê tháng mười hai, tôi vẫn luôn thích cái cách nhà thơ nhìn nhận tất thảy mọi vấn đề trong cuộc sống. Tôi đọc được qua từng câu từng chữ nét giản đơn chân thật, đọc được cả sự ấm áp tình thân và hơn hết thảy, đó là một trái tim yêu đời và rất có trách nhiệm với đời. Và, chúng ta, trong những sớm mai ngậm mật heo may hay trong những khoảng chiều bảng lảng sương khói, dành đôi chút thời gian đọc những dòng chữ này, hẳn nhiều người vẫn thích: “Vẫn tách cà phê cũ, vẫn con người cũ nhưng ngồi đây, lòng lại thắc thỏm… Khác và giống có thể không cho kết quả, nhưng lại cho nỗi buồn. Mạch thời gian cũng như một ô cửa, khi ta bật dậy ngắm nhìn, rồi lại bật dậy thấy mình… khác. Cái khác hình như cũng là một hành trình để mình cần nghĩ suy…?”.

THÁI BÌNH


Thứ Sáu, 26 tháng 9, 2014

ĐỌC " LY CÀ PHÊ THÁNG MƯỜI HAI "

Tình cờ tôi đọc Tuấn Anh lần đầu trên FB và tự nhiên có tình cảm văn chương với mấy đoạn tản văn của anh. Gần đây anh tin cậy gửi các trang viết cho tôi góp cảm tưởng. Bản thảo không dày lắm - tất cả gồm 27 đoản tác, bài dài nhất không hơn bốn trang (nay được in thành cuốn sách LY CÀPHÊ THÁNG MƯỜI HAI do Hội Nhà Văn xuất bản). Cảm tưởng chung khi đọc bản thảo là sự thể nghiệm một phong cách viết song song với một đoạn hành trình của tác giả - con người của hôm nay vừa kiếm sống vừa giải khuây sau công việc với dăm lạc thú thường ngày như uống trà, nghe nhạc, ra quán cà phê một mình hay ngồi với bạn…Nếu chỉ là những đoạn bút ký bình dị về các sinh hoạt phần nhiều lặp lại theo thói quen thì người đọc sẽ xếp các trang viết lại như xếp một tờ nhật báo. Nhưng đọng lại từ các giòng chữ mô tả và tự sự ấy là những giờ khắc chiêm nghiệm hay một thoáng trầm tư . Đó là lúc ý thức làm bước nhảy lùi hoặc chao cánh lượn quanh các hiện tượng và diễn biến của đời sống – đó cũng là lúc ngòi bút tập đồng hành với văn chương và tư tưởng.

   Vì nghề nghiệp, TA di chuyển giữa hai không gian khác biệt : đất liền và sông biển. Từ   đoản văn mở đầu Chuyện Đi Tàu đến bài viết cuối Nhìn về Đất liền tác giả tấu đi tấu lại khúc nhạc chủ đề hai bè “ĐẾN VÀ ĐI” mà sân khấu chính là khoảng nội tâm lênh đênh giữa đất và biển.

“Đặt ba lô lên tàu, ngồi ngắm biển chòng chành mà  nao lòng…Biển xanh, nhưng sóng có yên lành, khi những suy nghĩ của chúng ta cứ đầy theo năm tháng?... Đến và  đi chỉ  là  bước dạo đầu chấm phá trong những cuộc mưu sinh” (6-7).

“Càng nghĩ,càng thấy lòng trống rỗng…Đất liền…là những cánh chim, đang lưu giữ những mảng ký ức khổng lồ của cuộc đời, có nguy cơ vuột bay mất...Ngồi trên tàu, chút ưu tư cứ lắc dần trong trà nhỏ mà không uống nổi, một khoảng không vời vợi và lạnh lung.” (100-101).

   Trùng khơi vô định như các kiếp phận bị ném vào tương lai bất trắc đầy những biến động ngoài tầm hiểu biết. Kinh nghiệm này được tác giả tóm lược trong vài câu rải rác : “Kết thúc và bắt đầu không phải lúc nào cũng nằm trong dự định và sự toan tính. (38); hay là “Ta…như con lắc, đu trên những sợi dây chùng chình số phận, chỉ sợ những sợi dây mỏng manh kia một ngày sẽ đứt…(42). Nhưng đất liền cũng không khá hơn nếu chẳng có gì ngoài các thao tác vô vị, nhàm chán từng ngày.  “Cuộc sống cứ lặp lại những chu trình vô thức mà chẳng ai tìm hiểu ý thức (76). “Mỗi ngày vẫn những con người cũ, giọng nói cũ và tính cách cũ. …Thử hỏi, thế giới có gì sáng tạo không, khi mỗi ý thức lập trình vẫn chẳng thay đổi.” (13) Nỗi ám ảnh ấy khiến tác giả vỉết ra những chữ quẩn quanh kinh nghiệm và sự thật bình thường, “Đi hết một con đường, mỗi ngày ta lại quay trở về vị trí xuất phát.”(13)


   Cũng như phần đông thị dân các nước trên đà hội nhập lối sống toàn cầu hóa, người Việt đang bị phân hóa tâm lý mạnh. Với những ai đã sinh sống ngoài quê nhà (tác giả lúc thanh xuân từng sống nhiều năm bên Nga) hai cực quá khứ - hiện tại  còn giằng co với nhau như cánh cung hiện sinh thường trực, ngầm chứa một lực đẩy bất ngờ đe dọa thế cân bằng vốn đã chông chênh.  Qua từng trang viết, tác giả thủ vai nhân vật khá tiêu biểu với những ai còn vương vấn “con đường cũ…, cây gạo…, quán nhỏ ngã ba…, lối mòn dĩ vãng…” (82) đồng thời phải truy tìm ý nghĩa hay hạnh phúc bị giao động và đe dọa vì nhịp độ cuộc đời hôm nay, phải “ tìm một nhánh rẽ để ổn định… giữa những cấu trúc chằng chịt của đô thị mới” (84).
 
   Đặc biệt hơn ở ngòi bút Tuấn Anh - vốn là một thi sĩ đã cho ra đời hai tập thơ - cô đơn với khoảng lặng là nhu cầu thiết yếu của óc tim, là “thời gian cho  độ chín cảm xúc và lý trí” “Khoảng lặng ấy như một hồ nước đục,… cần phải để cho lắng lại…”chờ “lộ ra nhiều khoảng sáng”(15). Hay nói cách khác “ tôi lúc này, đang cần yên tĩnh, không muốn chạm vào thế giới bên ngoài.” (23) để miên man suy tưởng và soi chiếu chân dung kín đáo của mình. Tuy vậy giữa mớ thao thức và khao khát không tên, ký ức của những chặng giang hồ lại hiện về: cành phượng cũ, tuyết nước Nga, một mái tóc, một đôi mắt…như màu sắc cầu vồng lấp lánh.. Cho dù tác giả có tâm sự ở cuối sách một ý nguyện rất đạo cốt :“tập viết về …khoảng không và tập nghĩ về… khoảng không.”(101), cái nghiệp thơ văn - đồng thời cũng là lạc thú – là mối duyên tình khó dứt.

   Bằng chứng là tác giả đã sắp xếp và viết lại bản thảo, chăm chút khuôn nắn những câu chữ chưa hài lòng trước khi cho xuất bản. Mặc dù một tập hợp tản văn hay bút ký chưa phải là một nghệ phẩm thuần nhất mà chỉ là mớ chấm phá cho bức tranh dang dở của một diện mạo văn học còn trong tiến trình thử nghiệm. Nhưng tham quan công trình chữ nghĩa còn ngổn ngang vật liệu này, người đọc quan tâm sẽ nhận ra vài nét chân dung đáng ghi nhớ của ngòi bút mang tên TUẤN ANH. 

                                                                                                          CHÂN  PHƯƠNG
                                                                                                     Hingham Bay, 9-24-2014


Thứ Hai, 16 tháng 6, 2014

KHI MÌNH BIẾT YÊU

Chẳng biết ông thuyền trưởng chúng tôi lấy ý tưởng ở đâu mà nẩy ra ý định trồng cây trên tàu. Việc có vài chậu cảnh trên, ở những năm 80, đối với tàu tư nhân là bình thường, còn đây là tàu quốc doanh, mà lại đi biển. Ở ngoài khơi, sóng gió nhiều, hơi biển mặn, mọi cọc thép đều được hàn cố định, có dây chằng chống, thế mà lại nẩy ra ý định trồng cây, thật lạ…! Có phải gió càng mạnh thì mình càng phải mềm, mà ông Nguyễn Trãi đã từng nói lấy “yếu thắng mạnh”, cũng như các cụ đã dạy lấy “nhu thắng cương”…bởi trong sự tàn sát của thiên nhiên mình càng mềm dẻo, lựa theo nó thì mới tồn tại. Chúng ta không chống nó mà tìm cách sống chung với nó, thích hợp với nó và là một mắt xích, để đi qua sự tàn sát ấy.
Những cành cây, những lá cây mềm dẻo, không có ý định chống lại gió biển nhưng bao giờ cũng lựa theo nó, biết uốn mình khi gió mạnh, biết nhởn nhơ, ngoe nguẩy, khi gió đung đưa. Muốn thắng được sự khốc liệt, muốn thắng được sự tàn sát, không ai khác là dựa… vào chính mình. Một vài chậu đồng hồ đu đưa, vài cây mào gà đỏ, những cái cây chẳng mấy giá trị trong đời sống hàng ngày, nhiều lúc còn xem thường, thế mà ở đây nó được lên ngôi, chễm chệ, ngồi trong tâm trí ta con người. Bàn tay thô ráp, quen kéo cáp, bỗng nhiên thấy mềm nhũn, trước những bông hoa đua nở. Vuốt ve nó, sờ nắn nó như một sự phù phép, sợ làm đau một chiếc lá trên cành. Thao thức và chờ đợi để xem bông hoa này nở, thao thức và chờ đợi như một niềm say mê, biết mình vẫn sống và hi vọng. Những bông hoa nhỏ nhoi, không nói được điều gì nhưng đã dạy ta lòng thương yêu và biết chào đón.
Một bông hoa đẹp không phải vì màu sắc đẹp, mà đẹp ở những người biết ngưỡng mộ nó. Sự chờ đợi của con người, tự bản thân đã là cái đẹp lắng đọng, quyền quí, biết chắt lọc những phôi thai tinh tế nhất của tâm hồn. Ở trên tàu cũng có vài lọ hoa, những bông cúc sặc sỡ, bông hồng đỏ chót, thường thay nhau về cư ngụ, nhưng các anh em thuyền viên đều lơ đãng, bàng quang, chẳng mấy để ý, so với mấy bông hoa đồng hồ nhỏ xíu, bằng ngón tay…họ lại chờ đợi, như có sự mặc định? Họ biết vui, khi bông hoa nở, biết buồn, khi hoa bắt đầu cụp cánh, mỗi sáng lên ngắm hoa lại thấy lòng rưng rưng…
Hôm nay tàu liên hoan cho vài người về, bày một mâm ra ban công, tự thưởng cho mình một chút rượu để thấy được nỗi nhớ nhà. Nỗi nhớ nhỏ giọt, trong vắt, lắt lẻo trong tâm hồn buông tỏa. Chậu đồng hồ, mào gà nhỏ li ti điểm lên một chút xao xuyến, một cảm giác yên bình, trong trẻo đang cố kìm nén lại. Quê hương hay nỗi nhớ nhà, hình như cũng bắt đầu từ những nhánh cây nhiều màu ấy…Ở một nơi xa vắng, người ta thèm một món ăn, đã lâu chưa thưởng thức, thèm một đôi mắt, nơi đã trót ẩn giấu một nỗi niềm, còn những người không có gì, đành nhìn vào chậu đồng hồ này để nương nhờ, những lúc xa vắng.
Cô đơn, có thể bù đắp được không, những định lí về toán học có thể cho lời giải, nhưng sự truyền cảm về sinh học lại là nơi bắt đầu…Nhìn mấy chậu cây, uống một ngụm rượu, tôi thấy mình chếnh choáng.

TUẤN ANH


Thứ Năm, 24 tháng 4, 2014

NHÌN VỀ ĐẤT LIỀN

Tự dưng lại thích uống rượu, tìm mãi chẳng có lấy một giọt, đành lang thang quanh con tàu, rồi nhìn về... đất liền. Chẳng có ai trong tầm mắt ngoài phía xa kia để chút bầu tâm sự.  Chiếc điện thoại quá quen, cũng chẳng nói lên được gì trong lúc này. Những kí tự hiện lập lờ, nổi lên lềnh phềnh như những xác chết, chỉ biết vê vê ngồi đợi. Con tàu dài đuỗn trong mùa thu Bắc bộ se se đang chạy về với vài mớ ngôn ngữ ở facebook, làm mình chạnh lòng. Ai đo nông sâu trong hoang hoải gió mùa, chút heo may bâng quơ rộn vào...ảo giác. Mình không thích giá lạnh, nhưng ở cực Nam, lúc này đây, lại thấy khát thèm... Có cái rét nào làm mình co ro...? Chỉ cần 5000 đồng, mình cũng có thể thư thả nghỉ ngơi ở một quán cafe miệt vườn xứ Nam bộ này. Thong thả nhìn ra xa, mình cũng như bao người dân, mặc lòng cho thời gian trôi chảy, nhấm nháp một vị đắng quen quen, vẫn gọi về trong...tiềm thức. Nhấm nháp và nghĩ suy cũng là một guồng quay của cuộc đời, mà lúc này, mình còn biết thanh thản. Nhưng từ đây vào bờ vẫn còn ba tiếng nữa, tàu mới cập được đất liền. Nhìn ánh trăng lui thủi đi về một góc trời cô độc. Chẳng có gì trang trí cho một đêm tĩnh lặng, ngoài những sóng nước miên man.
Ở trên tàu tự nhiên lại thèm nghe tiếng tu hú, mặc dù trời đã sang quá thu. Lấy đâu ra lũ chúng bạn để sum vầy, tuổi ấu thơ cứ tăm tắp trở về…? Sau cabin, một khoảng sân nho nhỏ, ánh trăng thu lảng bảng... Đêm ở biển, lặng lẽ, không ồn ào, khi tàu buông neo. Nhìn xuống mặt nước, vẫn những con sóng ì ầm không ngơi nghỉ, một sự tuần hoàn lớp lớp, mà cũng chẳng biết ... về đâu...Ngồi một mình, bên tách trà ... mà thấy lạnh.Tầm này ở quê, những tiếng trống múa lân rộn ràng, những đứa trẻ háo hức với các mặt nạ, tìm chốn quen...thách thức. Những trò đuổi nhau không dài mãi trong cuộc đời, nhưng đôi khi vẫn rộ lên thi thoảng, sau ánh trăng lờ mờ, buông tỏa...
Tìm về chỗ ...quen, để thấy mình vẫn...lạ
thèm một tiếng chim lạc loài để đêm về mình có thể lắng nghe
thèm ai đó à ơi, dẫu rằng cũng chẳng phải gọi cho mình
thèm một chiếc lá khô bay lờ vờ trong gió
thèm bóng cây rủ xuống, để mình cuộn tay vào
gữi lấy lòng
vân vê…
Càng nghĩ, càng thấy lòng mình trống rỗng như những hoang mạc khôn cùng. Đất liền ơi, đất liền! Đất liền đối với mình giờ không còn là đất liền, mà là những cánh chim, đang lưu giữ những mảng kí ức khổng lồ của đời mình, có nguy cơ sẽ vuột bay mất…Đất liền vẫn trong tầm nhìn thấy, nhưng liệu có còn cảm thấy? Ngồi trên tàu, chút ưu tư cứ lắc dần trong tách trà nhỏ mà không uống nổi, một khoảng không vời vợi và lạnh lùng. Không định vị, không báo hiệu và đèn báo. Tiến thẳng hay quay ngang, mọi việc đều theo cảm tính mà không theo lý tính. Khoảng không đó, liệu sẽ được nhân lên như thế nào,  mấy ai được hiểu, mà họ vẫn nghĩ.
Mình tập viết về… khoảng không và tập nghĩ về… khoảng không.

TUẤN ANH


Thứ Sáu, 14 tháng 3, 2014

NHỮNG NHÁNH RẼ

Lại đi về con đường ấy, vẫn cây gạo hua hắt, cạnh ngã ba có quán nhỏ, nơi tôi một lần quên áo mưa và ướt sũng. Con đường đá hộc lộc cộc gữi tôi lại, nhâm nhi một ly café hơn tiếng đồng hồ… Bây giờ, tháng năm hoa gạo không còn nữa, nhưng mấy cái quán bên đường tuyệt nhiên không thấy, tự lòng tôi chênh chao…một lối mòn vào dĩ vãng. Sắp xếp lại bộ nhớ,  cố xóa đi những gì còn dai dẳng sót lại, dù có thể là phù hoa, và tôi cố quên, quên cả những gì mình đã từng nhớ, những con đường lớn và cả những nhánh rẽ. Sự đan chen của những lối đi giữa các đô thị phát triển, trong muôn vàn những bứt phá của loài người, đó cũng là tất yếu.
Bước lại con đường cũ, bàn chân như nhón vào ảo giác mà thấy vời xa…Thế giới không dừng lại mà luôn thay đổi, nên những bước người cũng dịch chuyển từ chỗ này sang chỗ khác. Quả, thế giới có rất nhiều nốt chân, nhưng những nốt chân này cũng chỉ tồn tại trên mặt đất trong 5 hoặc 7 phút thì lại có một nốt chân khác đè lên. Thế giới hơn 6 tỉ người, hỏi làm sao có thể nguyên vẹn một nốt chân tồn tại trong một giờ hồng hồ. Một nốt chân được vinh dự tồn tại trong 5 hoặc 7 phút, hình như cũng là một hạnh phúc.
Bước lại con đường cũ, lang thang trên nhánh rẽ, mới vài năm mà khó nhận. Mình thay đổi hay thế giới này đã thay đổi. Có lẽ nào những suy nghĩ của mình vẫn chẳng bao giờ lớn? Chả trách những nếp gấp cũ của con người thường vẫn hằn xuống theo lối mòn. Thiên định hay nhân định cũng đều là những con đường mà chúng ta phải lựa chọn trong những cuộc mưu sinh. Sống ở thế giới này, mình không mong sẽ tự do bước trên con đường lớn, mà phải tự tìm cho mình nhiều nhánh rẽ, trong rất nhiều những ao hồ, những cấu trúc chằng chịt của đô thị mới. Chúng ta phải tự tìm lấy, làm quen, buộc phải đan chen, để phù hợp hài hòa với những cấu trúc đã định hình. Bước trên những nhánh rẽ mà lòng mang mang như với cỏ cây và tự hỏi. Đi tìm một nhánh rẽ để ổn định, nhưng đâu có đơn giản, cũng như ta mong để lại một nốt chân có thời gian dài hơn một chút, hình như cũng là mơ tưởng…? Những nhánh rẽ cũng là cuộc trả giá cho một đời người mà chúng ta phải vật lộn, mới có được. Đã lâu rồi, ta đã quen…quen với những nốt chân của mình, nhưng bao giờ cũng bị khuyết góc…

TUẤN ANH


Thứ Hai, 17 tháng 2, 2014

DÀI HAY NGẮN

Quay lưng lại, ngồi trước cây phượng tím trong tiết tháng hai xanh ngắt, Đà Lạt vẫn còn sương mù lã chã trên từng con phố. Mùi phở bò nghi ngút, phút đói lòng muốn cầm đũa và ngấu nghiến. Sì sụp ở đường phố nhiều lúc có cái hay nhưng nhiều lúc cũng cảm thấy bồn chồn. Muốn ngắm hoa phượng tím mà thời gian chưa cho phép, phải đợi gần một tháng nữa mới có thể biết được. Sự chờ đợi làm người ta nao nao để đi tìm khát vọng.
Quàng lại chiếc khăn cổ, che bớt đi cái giá tháng hai xào xạc, ngửa mặt lên nhìn cây phượng thầm cầu nguyện, một sắc đẹp vẫn còn xa tít. Biết bao giờ cho tới tháng ba?
Tháng ba vẫn còn một đoạn dài thườn thượt, vẫn còn hơn hai mươi bát phở bò mỗi sáng,  mình phải ăn xong và hơn hai mươi lần, lại ngồi quay lưng ngắm những sự trần trụi của cành và lá. Chờ đợi rồi lại khát khao trong tiết trời bải hoải heo heo đầu xuân, khi những cành phượng còn mềm và e ấp. Người ta thích ngắm cây phượng khi nở, nhưng tôi lại thích ngắm phượng khi tàn. Phượng đẹp nhất là lúc hoa mãn khai, đến tận cùng xuân sắc, một màu tím nhờ nhờ bắt đầu rụng xuống lả tả, xa xa như bức tranh sắp đặt…Có gì nghiệt ngã chăng, khi vẻ đẹp đó được trưng bày đầy đủ nhất, trước ta, trên mặt đất, trong không gian tím ngát trên trời, dưới chân, hỏi làm sao mà không xao xuyến, chỉ một cái chạm nhẹ cũng đủ phượng trơ khấc, còn lại vài cành nghều ngào, chổng lên trời, một trận mưa… tím lao xao. Ai làm vẻ đẹp nức nở? Ai nỡ tay xóa đi cả một mùa sinh thành? Thành quả của vẻ đẹp còn nguyên đấy, bất động, mong manh, rộ lên những sắc màu đầy đủ nhất cuối cùng của một sự hoàn thiện, sắp sửa biến mất trên thế gian này…! Khoảnh khắc này làm người ta trầm trồ, nhưng cũng khoảnh khắc này làm người ta nuối tiếc, giữa ranh giới của giữa còn và mất, giữa vô hạn và hữu hạn, mà trong không gian gian này ta còn phải đong đếm nhiều nhiều. Trong cái hữu hạn của đời người, đều có hữu hạn của sắc đẹp làm người ta càng yêu quí và mến mộ. Khoảnh khắc tuyệt vời ấy, như một ngọn lửa, thổi bùng lên sự đam mê, như que diêm, cháy lên một lần, rồi vĩnh viễn…nằm trong tro bụi. Những vẻ đẹp ấy ở cuộc đời không phải lúc nào cũng sẵn có, nó bay là là trong không gian, bất định, thi thoảng lại rộ lên, rồi mất hút, như lộc trời ban phát cho mọi người chút hi vọng để lấy lại lòng từ bi của cõi phúc và có thể nhìn sâu hơn về cõi đời.
Hơn hai mươi ngày, có thể là cái chớp mắt hay là mong ước lâu dài, đối với con người, vẫn chưa thể biết được. Hành trình của đời người đâu phải chỉ toàn số dương ở trong tầm nhìn thấy? Ứớc vọng  có thể cho ta hy vọng, nhưng cũng có thể cho ta thất vọng. Vừa ngồi ăn phở, vừa nhìn hàng phượng xanh ngắt mà ngẫm nghĩ. Đành rằng, trong cuộc đời ai cũng phải đi tìm một lí lẽ cho riêng mình, và những mong muốn được tận hưởng cái đẹp, đều là hữu hạn trong cái vô hạn mà thôi. Vì, chúng ta đang sống trong rất nhiều bất an, thì tại sao cái cầu an kia không phải là mong muốn…?Hai mươi ngày là dài hay hai mươi ngày là ngắn, khi nỗi khát khao kia ta vẫn cứ đốt lên rực đỏ mà cái đẹp đôi khi cứ chùng chình... Đối với chúng ta, cái đẹp, có lẽ còn xa lắm?

TUẤN ANH