Thứ Ba, 28 tháng 1, 2014

TRƯỚC GIAO THỪA


Vào ngày cuối năm, những tiếng gọi của ảo vọng bắt đầu, con người lại hì hục, gồng gánh trên mình và quết lên những ước vọng mới đầy thạch nhũ?
Ước vọng và thời gian có thể không đồng hành cùng con người, nhưng cũng là điều nhỏ nhoi, an ủi cho mình trong cõi nhân sinh... Sau phút pháo hoa, ánh sáng này, rồi sẽ đi vào đêm...một nửa trái đất ngậm lại màn nhung trong 12 tiếng đồng hồ. Lịch sử bắt đầu hay là kết thúc, cũng chỉ là khái niệm mà loài người thường qui ước mà thôi. Vất vả cũng hoàn thành, giao thừa hoàn thành và tết vẫn đến với mọi nhà, cũng mâm ngũ quả, cũng tuần lộc chúc phúc bình an và nghỉ ngơi...

Bên chén rượu nhạt đầu xuân mà chếnh choáng, chợt thấy lòng còn nhiều thứ, hình như sự an lòng cũng có năm bẩy loại, nó cũng là chút hòa khí đầu năm để mình biết an phận...
Trời đang rét bỗng ấm lên một hôm mà nhiều người đã hỉ hả, những cơ mặt của con người giãn ra và những nụ cười đã xuất hiện. Nhưng được một hôm, cái rét lại trở về làm ai cũng o úi.
Cuộc đời ai cũng mong bền chặt và vĩnh cửu, nhưng hình như sự bền chặt đó luôn bị phá bỏ bởi nhiều xu thế mà người ta lo ngại. Danh dự và danh vọng hầu như chiếm hết 2/3 đời người, còn 1/3 chả biết dùng vào việc gì. Ai cũng nghĩ, 1/3 đó dành cho vợ con mình, nhưng nào đâu có phải...1/3 đó họ đang ngồi lì bên bạn bè và nghĩ về khoảng ...không có gì.
Nó có thể là đường thẳng, nhưng cũng là những đoạn khúc khuỷu, lúc này lúc nọ, cũng lên xuống thất thường, như cái rét cuối năm 2013 này. Hạnh phúc không phải là tự do, mà là sự chia sẻ, sự cảm thông và tha thứ. Ai hạnh phúc nhất là người biết tha thứ nhiều nhất, và chỉ có sự tha thứ mới là sợi dây bền chặt của xã hội.
Ngày cuối năm đường phố đông và khói bụi. Ai cũng hớt hải như chẳng nhìn đời, chỉ chực săm săm đi đi lại lại, như những con lắc, chẳng có điểm dừng, những bữa cơm qua quýt chả kịp âu sầu. Bánh chưng, đào tết, lại trở về muôn thuở. Ai đĩnh đạc được đêm ba mươi, ai sẽ cười, khi hạnh phúc còn chưa ngỏ, khi những cơn rét bất chợt còn hoành hành đây đó. Bụi bặm làm cho ta quen, thời gian làm cho ta vội vàng, những cơn rét làm những dây thần kinh ham muốn chùng xuông, uể oải. Hạnh phúc hình như không còn ngọt ngào khi ta tưởng.
Giao thừa vẫn cứ đến gần làm nhịp tim co thắt cho những ước nguyện còn dang dở. Không ai có thể chắp nối được, khi tiếng chuông đã điểm, lòng đã rộn ràng khấp khởi xuân sang. Một mình cũng pha một ấm trà nhạt, bên lọ hoa cẩm chướng mới cắm từ chiều, lá vẫn còn long lanh và nưng nức nụ. Cẩm chướng, không phải là tiên nữ, cũng không đài các trong các siêu thị hoa quyền quí, những loại hoa này dễ thấy, dễ mua, mỗi khi ra ngoài đường. Phút bình yên, muốn tìm đến nơi mà ta dễ thấy nhất, được chạm vào nỗi khát khao của sự bình dị. Ngồi uống trà một mình trong giá rét đầu xuân mà co ro, những bông cẩm chướng vẫn nguyên nụ, chưa rõ hình hài gầy guộc... lại thấy so mình! Tập làm quen với giá rét cũng như tập làm quen với cuộc đời.

TUẤN ANH


Thứ Năm, 16 tháng 1, 2014

ANH P...À


Anh P. ạ
Anh bảo không cô đơn, điều đó đúng thôi. Con người như anh, ở lứa tuổi này, mọi thứ đều ổn định, kể từ vợ con đến công việc. là đại phó, ở một đon vị quèn, anh chẳng đứng mũi chịu sào, công việc vẫn bình bình, không có gì đột xuất, thử hỏi làm sao mà anh phải lo lắng? Chuyện vô lo, đôi khi làm người ta trở thành bàng quang, có khi thành phù phiếm mà những người ít kì vọng thường không đòi hỏi. Ôm vào lòng một chút bận bịu, có thể là sự phiền toái đến bản thân, nhưng biết đâu đó cũng là sự bứt phá khi ta có những quyết định rạch ròi, không phải lúc nào cũng có được. Cô đơn, thực ra không phải xuất hiện khi sống một mình, mà là từ hai người trở lên. Khi có hai người, thì người ta mới chia sẻ và rung cảm, sự cô đơn ấy mới xuất hiện. Càng nhiều người, thì sự cô đơn càng có cơ hội xâm lấn. Trong các hội trường, hay cuộc họp nội bộ gì đó, ta đều dễ dàng nhận ra những bóng dáng của cô đơn. Họ đang len lỏi, ngồi đâu đó, có thể xung quanh mình, mà chính mình... cũng không nhận ra. Nỗi cô đơn đó đang gậm nhấm, lớn dần, trong trái tim họ, gần như đã mục ruỗng...nhưng bề ngoài vẫn gắng gượng, cười đùa, không ai biết. 
Anh P. à
Phiền phức hay không phiền phức đó không phải là sự bận lòng mà là cách thức để người ta tồn tại, sống và hiểu thêm về cõi đời. Cô đơn họ chia sẻ với ai? Không phải ai họ cũng chia sẻ, họ sẵn sàng mở lòng mình...như một gói quà. Nỗi cô đơn, hầu như được gữi kín, bao bọc với nhiều vẻ mặt, và những lời nói khác nhau. Khi cô đơn, người ta muốn ngồi một mình trong mưa hay trong giá lạnh se se, hoặc có những giọt nước lã chã, hay là ngồi nghe một bản nhạc không lời thật nhỏ, phải giỏng tai lên mới thấu rõ từng âm điệu le lắt, xa vời...Hoặc lơ đãng nhìn vào mặt hồ, lơ thơ vài cánh bèo...lạnh băng... Cô đơn không phải họ rũ bỏ lòng mình, mà là những khung cảnh kia, sẽ thay họ, len vào tâm trí làm mềm đi một vài nỗi lòng mà không kìm nổi... Trong cô đơn, người ta thật thanh thoát và mềm yếu, ai hợp, có thể chỉ cần một cái nắm tay thôi, cũng là quí lắm rồi…
Anh P. ạ
Có thể cô đơn còn luẩn quẩn phương xa, chưa có dịp tá túc dưới bàn chân anh trong giây lát, lòng thanh bạch như anh ít khi tìm đến. Chưa đi xa, làm sao mà hiểu được giá trị của sự gần gũi, anh nhỉ! Có từng nắm tay lại, ta mới hiểu được buông tay ra thật là khó. Mọi định giá cuộc sống đều phải đánh đổi và trả giá, chẳng có gì là miễn phí cả. Những thứ mua được bằng tiền, người ta có thể trao trả, nhưng còn những thứ không mua tiền, anh có đánh đổi được không? Tiền, chỉ là một giá trị trong rất nhiều thứ giá trị mà ta vẫn chưa hiểu, đôi khi, cầm trên tay, mọi thứ na ná như nhau, ta tưởng rằng cùng một cách qui đổi, nhưng độ rung cảm thì thật khác…Thử hỏi, ở đời, viên thuốc nào có chức năng như vậy, để mình mua lấy một ít và để dành…anh P. nhỉ? 

TUẤN ANH