Thứ Bảy, 10 tháng 1, 2015

ĐỌC “ LY CÀ PHÊ THÁNG MƯỜI HAI” NGHĨ VỀ NHỮNG CẢM THỨC VÀ SUY NGHIỆM CỦA TUẤN ANH

     
 Sau tập thơ đầu “Ô cửa sổ tháng giêng”công bố năm 2005,  rồi “Giấc mơ không nơi cư trú” năm 2010. Vào đầu mùa thu năm Ngọ này nhà thơ Tuấn Anh vừa trình làng thêm một tác phẩm mới nữa, nhưng lần này là tập tản văn chứ không phải thơ như thường khi.

        Ngoài bìa sách hiện diện một cái tên không vương lối khoa trương, cũng chẳng điệu đàng, trầm bổng với những ngoa ngữ, mỹ từ; hay dùng chiêu hô quát,  hư ẩn bí hiểm, tác giả lựa đặt cho đứa con tinh thần của mình cái danh xưng số đếm  chân mộc, khiêm nhường: “Ly cà phê tháng mười hai”.
         Một cái tên bình thường vậy mà lại mang hấp lực mê dụ, khiến cho người tiếp cận không thể vô tình, sơ tâm bỏ qua. Vâng! Không thể vì hình như đằng sau tấm bìa màu đen chữ trắng, ở trong ruột sách người viết còn ủ cất, ươm gieo, ký thác, gửi nhắn điều gì đang muốn chia sẻ, mong được tâm giao thì phải. 
        Mang tâm thế phập phồng hồi hộp ấy, tôi liền đọc “ Ly cà phê tháng mười hai” một mạch. Tập sách không dày, chỉ vỏn vẹn 101 trang in khổ 13 x 19, dung chứa 27 bài tản văn ngắn. Bài dài nhất khoảng ba trang nếu in tràn chữ ra kín mặt giấy. Bài ngắn, chỉ hơn một trang là cùng. Văn chương vẫn biết đâu có nệ vào dài hay ngắn, mà điều cốt tử là cái hồn vía, cái nhân chất nén chứa bên trong mang chở được những gì.
        Tuy nhiên, với văn chương thì trước mọi cái sự ngắn-đoản, ít chữ hẻo dòng với người viết là một cuộc phải đối mặt chấp nhận thách thức, vì ở đó nó dễ lộ diện cái  tầm, cái trình sáng tạo và trữ lượng cảm xúc của chủ thể tác phẩm.
         Vậy mà nhà thơ Tuấn Anh “ rất bạo” dám thử sức đối mặt với cái “ khó” ấy, thậm chí chấp nhận rủi ro, chỉ một điều này thôi cũng đáng biểu dương dũng khí của anh rồi.
       Tôi được biết Tuấn Anh làm thơ từ tuổi mục đồng, và quen anh đến nay cũng gần tròn năm mùa lá rụng mà anh vẫn say mê chung thủy với Nàng Thơ. Thơ của Tuấn Anh ai đã từng đọc đều thấy cái tự đòi hỏi rất khắt khe đến mức cực đoan của tác giả này. Từng câu thơ, con chữ anh viết luôn với tâm thế “ quyết tử vì đạo” vắt cho kì cùng kiệt cảm xúc của mình. Mỗi tác phẩm thơ ở đấy không có sự nửa vời, đèm đẹp làm duyên mà nó đều hiện dấu của sự khổ công tìm tòi sao cho mang lại hiệu năng, dư chấn nhất. Anh luôn có cách liên tưởng, xây dựng hình tượng thơ mới lạ, không giống ai nhằm chuyển tải tín hiệu- điệu tâm hồn của mình gửi đến độc giả. Mong ước giãi bày của Tuấn Anh có làm ưng lòng người yêu thơ hay không điều đó có lẽ còn tùy thuộc vào gu tạng mỗi người, và thời gian sẽ kiểm chứng điều đó.
       Là một người đọc, với cảm nhận hạn hẹp của mình, tôi trân trọng cái mơ ước nghiêm túc của Tuấn Anh. Và hơn hết quý anh về cái nết không mượn thơ để lập ngôn, mà anh làm thơ chỉ để tìm tới điều thiện nguyện, được chia sẻ và dâng hiến tấm  tình của mình cho nghệ thuật và cho cuộc đời .
        Trước lúc viết những dòng này về tập tản văn của Tuấn Anh tôi muốn diệu vợi đôi lời về thơ anh, bởi sau khi đọc  “ Ly cà phê tháng mười hai” gập sách lại tôi  nghĩ Tuấn Anh không chỉ có duyên với thơ mà còn rất có tình cả với văn xuôi nữa.
         Đọc hai mươi bảy bài trong tập tản văn “ Ly cà phê tháng mười hai” của Nhà thơ Tuấn Anh, tôi như không chỉ được đọc một áng văn giản dị, chắc, hoạt, giàu tâm trạng mới lạ mà còn được đọc một chuỗi tác phẩm thơ. Thơ văn xuôi. Vâng! Cảm nhận đó có thể là chủ quan của riêng tôi, nhưng từ cách định đề, lập tứ cho đến thủ pháp nghệ thuật đều mang đậm chất thơ. Mỗi tác phẩm riêng lẻ trong “ Ly cà phê tháng mười hai” tác giả viết với một lối độc thoại tưởng là rất tùy hứng, như bâng quơ, nhớ đâu ghi đó. Nhưng từng khúc, đoạn đều bắt nguồn từ nhôi nút của cảm xúc và có chủ đích, ý tưởng cả. Tác giả gửi đến người đọc nỗi niềm trăn trở bấy lâu lặn sâu trong góc khuất ký ức, bây giờ chợt bừng thức để  rồi bật lên thành điều chiêm nghiệm của mình. Trong tản văn “ Dọn dẹp” Tuấn Anh kể lại một chuyến đi anh được phân một căn phòng dĩ nhiên trước đó đã có người ở. Còn bây giờ anh là một chủ nhân mới. Anh phải dọn dẹp, bày biện trang trí, xếp đặt lại theo trật tự ý mình. Rồi tác giả ngộ ra rằng: “ Dọn dẹp căn phòng, đâu có phải là cất đi, mà có khi lại là sự bày ra để mà chiêm ngưỡng”. Tôi đọc và thích những đoạn tự giác ngộ của tác giả, ví như : “ Mọi định giá cuộc sống đều phải đánh đổi và trả giá, chẳng có gì là miễn phí cả. Hay: “ Tiền chỉ là một giá trị trong rất nhiều thứ giá trị mà ta vẫn chưa hiểu, đôi khi, cầm trên tay, mọi thứ na ná như nhau, ta tưởng rằng cùng một cách quy đổi, nhưng độ rung cảm thì thật khác…Thử hỏi, ở đời, viên thuốc nào có chức năng vậy, để mua lấy một ít viên để dành…anh Hiện nhỉ?- Tản văn: “ Anh Hiện à”. Trong tản văn “ Cái chiết áp bé nhỏ” có câu: “ Hình như sự lớn lao ở con người không phải là vật chất mà là cõi lòng đầy hay vơi của những nỗi niềm đã cũ”. Rồi những dòng tiếp theo thật gợi mở: “Âm lượng của chiết áp về số không hoặc dương, chỉ trong tích tắc. Tập hợp của nỗi lòng được mở ra hay đóng lại tùy thuộc vào ngón tay mình có dám đưa đẩy hay không. Hiện tại tìm ở đâu được dễ dàng, những quá khứ không phải lúc nào cũng có”.
      Còn nữa những dòng văn ăm ắp tình đời tình người như trong các tản văn: “ Tháng năm ngắn ngủi;  Một mình; Kèn saxophone và người nghệ sĩ…” là những dòng văn đáng đọc để bâng khuâng hay xao động cõi lòng lữ thứ, lữ khách, ngoảnh lại nhìn bước chân qua hay đau đáu dõi theo con đường dằng dặc trước mặt đang dợm chân bước tới…
       Ngồi im lặng mà ngẫm lại những đoản bút của nhà thơ Tuấn Anh, tôi chỉ nói một điều gía như… Anh kiệm chữ đi chút nữa, bớt được những thừa thãi ở đoạn này, dòng kia đi chút nữa thì có lẽ văn anh còn sáng, đọng, long lanh, lay thức cảm động hơn nhiều. Dù sao đây cũng là một áng văn một tập sách đáng được nâng niu trân trọng./.
        
                                                              Kiến An ngày đầu Đông năm Ngọ

                                                                             Vũ Quốc Văn